Thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Cập nhật 21/10/2021, 18:10:18

Trong phiên làm việc ngày thứ 2, chiều nay (21.10), các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ Hai Quốc hội khóa XV tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội) và 62 điểm cầu truyền hình tại các tỉnh, thành phố trong cả nước đã nghe lãnh đạo một số bộ, ngành trình bày các tờ trình về: Dự án Luật Cảnh sát cơ động và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào 2 dự án Luật này.

Trong buổi làm việc chiều nay, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật Cảnh sát cơ động; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Cảnh sát cơ động. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các đại biểu Quốc hội và đại biểu khách mời cơ bản tán thành việc sửa đổi quy định theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học. Đề xuất Chính phủ tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bổ sung, làm rõ “cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả” để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng quyền tác giả và quyền liên quan; khắc phục sự không thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, sở hữu đối với kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước trong các luật hiện hành. Các đại biểu cũng cho rằng: Việc quy định không áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh là không phù hợp vì sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

 Đại biểu Châu Ngọc Tuấn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nêu: “Chúng ta thấy là chuyện lâu nay chưa ai công nhận về nhãn hiệu nổi tiếng, dù đã có tiêu chí nhưng do vướng luật, chúng ta làm không được, thì kỳ này cần làm rõ hơn để cho nó đi vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, kết hợp với ý kiến của của chúng ta là chúng ta mong muốn phân cấp, phân quyền đối với những sản phẩm thông thường thì cũng phải có tiêu chí của sản phẩm thông thường là nó như thế nào. Như vậy, ở góc độ quốc gia, Bộ công nhận thì những sản phẩm nào kèm theo tiêu chí, thì tương tự như thế phân cấp, phân quyền cho tỉnh những sản phẩm gì thì cũng phải có tiêu chí”.

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Cảnh sát cơ động, các đại biểu cho rằng: Đây là việc làm cần thiết, hướng tới việc xây dựng các chính sách lớn, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cần thiết để xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vừa tạo điều kiện cho lực lượng hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đồng thời các đại biểu cũng đóng góp một số ý kiến, góp phần hoàn chỉnh Dự án Luật Cảnh sát cơ động.

 Đại biểu Đinh Văn Thê – Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nói: “Điều 3 Luật Cảnh sát cơ động quy định, Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách, nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang để bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vấn đề này, tôi thấy chưa đảm bảo tính nguyên tắc, thông nhất với các văn bản vi phạm pháp luật đã được Quốc hội ban hành, quy định tại Điều 5, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực tế là chỉ cần quy định là Cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân là thể hiện rõ nội hàm về vị trí của Cảnh sát cơ động, là bảo đảm tính thống nhất với vị trí của Công an nhân dân theo điểm 3 của Luật Công an nhân dân năm 2018”.

Đại biểu Rơ Chăm H’Phik – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Chư Pah, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai phát biểu: “Tại Điều 2, khoản 1 thì có 1 cụm từ là biện pháp vũ trang, mà đối với cụm từ này chỉ dùng một trong 7 giải pháp thực hiện nhiệm vụ của Công an nhân dân được áp dụng. Vì vậy, cần thay Công an nhân dân thành Cảnh sát cơ động, vì ở đây đang nói đến Luật Cảnh sát cơ động thì phân nhiệm vụ cũng như trách nhiệm chủ thể cho cụ thể hơn. Câu này có thể viết lại, Biện pháp vũ trang là một biện pháp của lực lượng Cảnh sát cơ động, như thế thì nó sẽ đúng với luật hơn”.

Theo chương trình làm việc, sáng mai (ngày 22.10), tại Hội trường Diên Hồng ( Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành sẽ báo cáo Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm; Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế. Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế… Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật trong bản tin tiếp theo/.

Đoàn Bình, Thanh Sáng


Lượt xem: 19

Trả lời