Thanh niên người Bahnar ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa liên kết phát triển kinh tế

Cập nhật 30/8/2022, 07:08:59

Không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, thời gian qua có nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thay đổi tư duy và phương thức phát triển kinh tế, từng bước vươn lên, ổn định đời sống. Họ là những đại diện về  khát vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Phóng sự ghi nhận tại xã Kon Gang, huyện Đak Đoa – địa phương có khoảng 90% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi Đoàn xã Kon Gang thành lập Câu lạc bộ Thanh niên phát triển kinh tế, anh Quư ở làng K’Tu đã chủ động tham gia. Nếu như trước đây việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là điều còn rất hạn chế với thanh niên này, thì giờ đây mô hình cây công nghiệp xen canh với cây ăn trái của anh đã được chăm sóc một cách bài bản, từ việc chọn cây giống đến cách bón phân, tỉa canh… Những quả ngọt đầu tiên đã cho thu hoạch, trở thành niềm hy vọng và động lực để gia đình anh Quư tiếp tục vươn lên lập thân, lập nghiệp trên mảnh đất quê hương.

Anh Quư – Làng K’Tu, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa nói: “Trước kia làm tiêu kinh nghiệm không được cho nên bị chết hết, bây giờ nhờ được tập huấn nên biết trồng trọt chăn nuôi, vay vốn nữa. Theo tôi việc trồng trọt đương nhiên phải học theo kỹ thuật để chăm cây cho phát triển hơn, nếu mà không học kỹ thuật thì làm không đúng thì cũng không được”.

Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế ở xã Kon Gang, huyện Đak Đoa được thành lập từ tháng 6 năm 2021. Hiện tại, Câu lạc bộ có 7 đoàn viên, thanh niên tham gia. Với sự đồng hành của Đoàn xã, Câu lạc bộ trở thành địa chỉ để các đoàn viên, thanh niên trong xã giao lưu, học hỏi những kinh nghiệm, kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi cũng như giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Theo đó, các thành viên triển khai các mô hình trồng cà phê, măng tre, các loại cây ăn quả trên diện tích hơn 10 ha và các mô hình chăn nuôi khác.

Anh Hy – Bí thư Đoàn xã Kon Gang, huyện Đak Đoa cho biết: “Khi chưa thành lập CLB thì 1 số thanh niên phát triển riêng lẻ, họ không có tập trung để học hỏi lẫn nhau, khi thành lập câu lạc bộ đây họ có môi trường họ tiếp xúc với nhau và học hỏi kinh nghiệm với nhau. Hiện tại CLB có 2 con bò nuôi xoay vòng. Tính từ khi thành lập các thành viên trong CLB có đời sống kinh tế ổn định, có thành viên chăn nuôi, có thành viên trồng trọt, có thành viên trồng măng tre Đài Loan hiện tại thu nhập rất ổn định/ Thời gian tới Đoàn xã tiếp tục kết nạp thêm thành viên để CLB nhiều thành viên hơn cùng nhau xây dựng xã Kon Gang ngày càng phát triển”.

Câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế ra đời đã cổ vũ tinh thần hăng say lao động sản xuất cho các bạn trẻ tại xã Kon Gang. Đồng thời là minh chứng sống động về sự đoàn kết, năng động và quyết tâm xóa bỏ phương thức sản xuất lạc hậu của thanh niên người dân tộc thiểu số trong thời đại mới.

Anh Lê Đình Chiến – Bí thư Huyện đoàn Đak Đoa cho biết thêm: “Trước hết Huyện đoàn lấy mô hình Kon Gang tổ chức cho các đoàn đi tham quan cho các bạn đoàn viên ở các xã lân cận học hỏi các mô hình đó, tận dụng nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp để trên cơ sở đó hỗ trợ, phối hợp với trung tâm dịch vụ công nghiệp tổ chức tập huấn kỹ năng kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt trên cơ sở đánh giá hoạt động thì Huyện đoàn nhân rộng mô hình này”./ .

Thanh Vui – Huy Toàn


Lượt xem: 18

Trả lời