“Thanh niên Gia Lai với OCOP”

Cập nhật 02/11/2023, 06:11:47

Tại Gia Lai, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã thực sự tạo động lực mới trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Điều đáng ghi nhận là sự phát triển các đối tượng chủ thể tham gia vào chương trình, đặc biệt là thanh niên. Với những ưu thế về tuổi đời, sự năng động, không ngại thử thách, những chủ thể này đã góp phần tích cực trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP Gia Lai.

“Thanh niên là rường cột của nước nhà”, với tâm thế này, thanh niên Gia Lai đã và đang phát huy tinh thần xung kích trên mọi lĩnh vực. Nổi bật trong số đó là phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế. Rất nhiều mô hình trong sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên đã phát huy hiệu quả không chỉ trong nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo mà còn từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ thanh niên, nhất là vùng DTTS, góp phần phát triển địa phương.

Tùy thuộc vào điều kiện và năng lực, mỗi đoàn viên, thanh niên đã chọn cho mình một hướng đi để khởi nghiệp, điều đáng quý là trong số đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình khởi nghiệp gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Anh Lê Văn Đức – Chủ cơ sở kinh doanh mật ong Sun Bee nêu: “Theo tôi thì bây giờ thanh niên cũng lo phát triển kinh tế thì mỗi người một lĩnh vực khác nhau.Như tôi thì nối nghiệp gia đình nên theo hướng của gia đình. Gia đình tôi nuôi ong từ năm 1995 đến bây giờ. Để phát triển lên cái nghề ong này thì cũng trải qua 1 thời gian rất lâu từ thời của ba mẹ tôi.”

Từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, với sự nhạy bén và năng động của tuổi trẻ, các chủ cơ sở là đoàn viên, thanh niên đã nhanh chóng tiếp cận với các phương thức để tìm hướng phát triển bền vững cho mô hình của mình. Một trong số đó là tiếp cận với chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bởi những ưu thế về việc xây dựng uy tín cho thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Chị Đoàn Thị Thúy – Chủ cơ sở kinh doanh Phước Hỷ nói: “Thời gian đầu để tham gia OCOP thì ở địa bàn cũng chưa có ai cả, nên là mình phải tự đi tìm hiểu thông tin, tự đi hỏi những cơ quan, các ban lãnh đạo để biết thêm thông tin này./thời gian sau, thì mình cũng được sự hướng dẫn tận tình, và đồng thời, thì mình cũng làm hồ sơ,cũng dần dần hoàn thiện./Bởi vì cái sản phẩm OCOP khi mà bước ra thì người dân cũng ngày càng có một cái niềm tin vềsản phẩm OCOP.”

Tuy nhiên, như chia sẻ của nhiều thanh niên là chủ sản phẩm OCOP, thử thách đặt ra hiện nay chính là việc quảng bá sản phẩm để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đó cũng là vấn đề được nhiều ban ngành quan tâm, đặc biệt là Đoàn thanh niên tỉnh Gia Lai. Theo đó, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực để góp phần hỗ trợ các đoàn viên thanh niên, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Anh Đỗ Đức Thanh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: “Chương trình quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản OCOP cho các HTX thuộc vùng đồng bào DTTS là một trong những hoạt động để cụ thể hóa chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và vùng núi giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong những hoạt động có thể nói là rất quan trọng, đặt dấu mốc tiền đề cho các hoạt động tiếp theo của tổ chức đoàn thanh niên thực hiện hiệu quả chương trình MTQG này. Trong đó, chúng tôi nhấn mạnh đến việc quảng bá sản phẩm của HTX thanh niên cũng như là các hộ thanh niên tiêu biểu ở vùng ĐBDTTS và ưu tiên các đối tượng đã đạt chuẩn 3 sao, 4 sao OCOP, để chúng tôi có thể livestream trên sóng các MXH. Vừa là hình ảnh quảng bá, cũng là cơ hội tạo động lực cho các bạn có thể tiếp cận với chuyển đổi số, kinh doanh online và có thể gia tăng thu nhập từ các nền tảng trên.”

Với nội lực sẵn có, cùng với lợi thế từ các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay trong việc phát triển sản phẩm OCOP, thanh niên vùng dân tộc thiểu số nói riêng và thanh niên Gia Lai nói chung đang sở hữu điều kiện thuận lợi để hoàn thành vai trò, vị thế của mình.

Chị Đỗ Thị Phượng – Chủ cơ sở kinh doanh sản phẩm Yến sào Minh Ánh chia sẻ: “Thanh niên chúng ta thì thường không ngại khó ngại khổ, ở đâu khó là ở đó có thanh niên đúng không ạ? Khi mà mình bước chân vào làm OCOP á, bên ocop của nhà nước nên là giấy tờ, mình phải chứng minh đầy đủ giấy tờ, nguồn gốc, nên là rất là gian nan và vất vả. Nên là các bạn cứ mạnh dạn lên .. mạnh dạn để làm, khi mình đã làm được rồi á, thì trái ngọt sau mình mới hái được. Theo quan niệm là một đất nước muốn phát triển mạnh á, đoàn thanh niên phải mạnh. Thanh niên là đội ngũ đi đầu để đưa đất nước phát triển.”

Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay. Với lực lượng “rường cột” hôm nay vừa chăm chỉ, yêu lao động lại năng động, nhanh nhạy nắm bắt những cơ hội mới thì tin chắc rằng “nước nhà” sẽ càng tươi đẹp và giàu mạnh ở ngày mai.

Hòa Giang – Thanh Sáng


Lượt xem: 21

Trả lời