Tháng 4 về Plei Ơi tham gia mùa lễ hội

Cập nhật 11/5/2022, 07:05:15

Thung lũng Cheo Reo, nơi cư trú của 14 đời Pơtao Apuih (Vua lửa) vẫn được cư dân khắp nơi trên đất Tây Nguyên nhắc đến như những thần linh có sức mạnh huyền bí. Không chỉ vậy, vùng đất này còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, hấp dẫn với nhiều du khách khi có dịp ghé thăm và trải nghiệm. Chúng ta cùng hành trình về Khu Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện để tìm hiểu câu chuyện Vua lửa, gươm thần và hòa mình vào không gian lễ hội.

Cách T.p Peiku chừng 60 km theo hướng Đông Nam, đi từ  Quốc lộ 14 rẽ sang Quốc lộ 25, vượt qua đèo Chư Sê, chúng ta tiếp cận với thung lũng Cheo Reo. Ít có vùng đất nào trên cao nguyên nhuốm màu huyền ảo hơn Plei Ơi, nơi cư trú của các Pơtao Apuih (tức Vua lửa) với hiện tượng thanh kiếm thiêng đầy bí ẩn, quyền năng.

       Plei Ơi nằm dưới chân đèo Chư Sê, có dòng sông Yun, một nhánh quan trọng ở hữu ngạn sông Ba vốn là không gian cư trú của các Pơtao Apuih suốt vài thế kỷ.

      Theo tài liệu ghi chép lại, Siu Luynh là vị Pơtao Apuih thứ 14, vị Vua lửa cuối cùng (ông mất năm 1999), còn Rơ Chăm Anua, vị Pơtao thứ 3 là người đầu tiên thực hiện các nghi lễ cúng thần gươm và làm lễ cầu mưa.

Do không có người kế vị, nên ông Rơ Lan Hieo, người phò tá theo giúp việc cho Vua lửa đời thứ 14 – Siu Luynh được giao trọng trách thay mặt các Pơtao Apui giữ gươm thần và thực hiện các nghi lễ cúng cầu mưa. Trong không gian thiêng của Núi Ba Hòn, ông cùng với các phò tá, phụ giúp việc đã thực hiện các nghi lễ chính cúng cầu mưa-cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống đủ đầy, mọi người được bình an, khỏe mạnh…

Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai vùng thung lũng Cheo Reo đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 08/6/2015. Cho dù hôm nay, dòng nước từ hồ chứa Ayun Hạ đã đem lại mùa màng bội thu, nhưng trong sâu thẳm tâm linh người Jrai bản địa vẫn luôn lưu giữ những câu chuyện về quyền năng bí ẩn của Vua lửa, gươm thần.

Sau 2 năm không thể tổ chức do dịch bệnh Covid-19, Lễ cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở Plei Ơi được tổ chức vào ngày 30.4.2022 là hoạt động văn hóa-du lịch hấp dẫn, kết hợp với chuỗi các hoạt động, như: Thi hát dân ca, diễn xướng cồng chiêng, thi tạc tượng và các môn thể thao truyền thống. Không chỉ được hòa mình vào các hoạt động lễ hội, du khách còn được tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương…

 Ông Rơ Mah Thuyên  -Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện cho biết: “Đối với năm 2019, năm 2022 tổ chức khác hơn, riêng đối với Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui thì giữ theo truyền thống ngày xưa. Năm nay có thêm các đội chiêng, nghệ nhân tạc tượng. Phát triển du lịch tiềm năng của xã Ayun Hạ thì chúng tôi có ẩm thực của người Jrai, cơm lam, gà nướng. Về xu hương du lịch sau này mong cấp trên hướng thêm, như: Đầu tư đào tạo các lớp thế hệ trẻ”.

Anh Ksor Phương – Plei Ksing – Kmek, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện chia sẻ: “Hôm nay tham gia các tiết mục cùng đội nghệ nhân của xã tôi rất vui. Được trình diễn đàn goong trước nhiều khán giả, mình mong muốn quảng bá văn hóa truyền thống đến mọi người khắp nơi tới đây”.

Bà Hoàng Thị Lá, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện cũng nói:Tôi ở thôn Thanh Bình, xã Ayun Hạ cũng đươc tham gia tiết mục hát then của dân tộc Tày, cảm thấy phong cảnh đẹp và đông vui. Từ năm 2019 đến bây giờ, dịch dã nhiều không tham gia được, đến nay mới quay lại tham gia, tôi cảm thấy rất vui.

Nằm gần khu vực lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ, Khu Di tích lịch sử-văn hóa Quốc gia Plei Ơi có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Và từ khi tiến hành trùng tu, xây dựng thêm các hạng mục như: Nhà dài của người Jrai, nhà của Vua lửa, nhà để gươm thần… nơi đây đã trở thành điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, nhất là mỗi dịp nghỉ lễ, hay khi tổ chức các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng truyền thống./.

Song Nguyễn – Mạnh Hà – Minh Vũ


Lượt xem: 16

Trả lời