Thân thế, cuộc đời và những cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam

Cập nhật 29/4/2024, 10:04:33

Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng sẽ mãi mãi cổ vũ toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu cao cả “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhân Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú (01/5/1904-01/5/2024), THGL xin chuyển đến quý độc giả phóng sự về Thân thế, cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mới hơn 4 tuổi đã mồ côi cha, 6 tuổi mồ côi mẹ, tuổi thơ đồng chí Trần Phú đã trải qua những năm tháng đau buồn và cơ cực. Truyền thống về quê hương qua những câu chuyện kể về người cha – một nhà nho khí tiết đã tuẫn tiết để chống lại lệnh đàn áp của thực dân; về các anh hùng, nghĩa sĩ quê hương Hà Tĩnh… đã góp phần hun đúc nên người thanh niên giàu chí khí, lòng yêu nước, yêu quê hương, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai; có tinh thần học hỏi, vươn lên tìm cách báo thù nhà, đền nợ nước.

Nói đến Tổng Bí thư Trần Phú, không thể không nói đến bản dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng năm 1930. Luận cương Chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá sau này: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta – Đảng của giai cấp công nhân – không ngừng củng cố và tăng cường”

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị bắt trong sự vây ráp dày đặc của kẻ thù. Ngày 6/9/1931 (khi 27 tuổi), đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, đồng chí Trần Phú còn gửi đến các đồng chí của mình lời nhắn nhủ “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn gửi này có giá trị động viên rất to lớn trong hoàn cảnh kẻ thù đang ra sức đàn áp hòng tiêu diệt Đảng ta. Đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng cộng sản. Đồng chí là tấm gương chói lọi của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục; đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc./.

Nguồn Báo Nhân dân


Lượt xem:

Trả lời