Tập trung ứng phó với nguy cơ hạn hán trên diện rộng trong mùa khô 2024

Cập nhật 14/3/2024, 10:03:40

Gia Lai đang bước vào những tháng cao điểm của mùa khô 2024. Nhiều tháng liền không có mưa, cộng với nắng nóng gay gắt kéo dài đã khiến mực nước tại các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh giảm mạnh. Nguy cơ đối mặt với hạn hán trên diện rộng trong mùa khô năm 2024 là rất lớn. Trước những dự báo về tình hình thời tiết không mấy lạc quan, ngành chức năng và chính quyền các địa phương của tỉnh Gia Lai đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, nhằm bảo vệ sản xuất và giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn hán.

Sau nhiều tháng liên tục không có mưa, hơn 265 ha cây trồng các loại gồm lúa nước, ngô, khoai lang và một số hoa màu khác của vụ Đông Xuân 2023 – 2024 tại cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện đã bị thiếu nước nghiêm trọng. Một số diện tích đã bị cháy khô, không thể cứu vãn, ước thiệt hại khoảng 210 triệu đồng; một số khác thuộc diện nguy cấp, cần được cứu hạn ngay; còn lại một phần diện tích tuy vẫn được người dân tận dụng nguồn nước duy trì tưới tạm thời nhưng dự kiến cũng không thể cầm cự được đến khi thu hoạch.

Người dân canh tác trên cánh đồng này như đang ngồi trên đống lửa vì nguy cơ đối mặt với một vụ thu hoạch trắng tay.

Ông Vũ Văn Khiểng – Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai cho biết: “Do năm nay mùa mưa cắt sớm, hết mưa sớm nên suối ở đây bị cạn nước. Chúng tôi canh tác ở đây chủ yếu dựa vào nguồn nước suối. Bằng giờ mọi năm thì chúng tôi vẫn đang còn nước tưới, mà năm nay hết nước sớm nên mới xảy ra tình trạng cháy hết như thế này.”

Không chỉ cánh đồng thôn Đoàn Kết, xã Chư A Thai có nguy cơ mất trắng, theo khảo sát, toàn huyện Phú Thiện hiện có khoảng 500 ha cây trồng đang thiếu nước tưới nghiêm trọng.

Ông Bùi Trọng Thành – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Thiện, Gia Lai trao đổi: “Phòng đã tham mưu UBND huyện kiến nghị tỉnh các giải pháp. Trong đó, giải pháp cấp bách trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, hộ dân, tổ dịch vụ chủ động nguồn nước để tưới; đề xuất giải pháp bơm cứu và hỗ trợ kinh phí, hiện các cơ quan của tỉnh đang xem xét.”

Theo báo cáo của Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai, tính đến hết tháng 02/2024, toàn tỉnh đã gieo trồng trên 75 nghìn 366 ha cây trồng các loại. Trong đó lúa nước gần 25 nghìn ha, ngô hơn 3 nghìn ha, đậu các loại hơn 4 nghìn 200 ha, rau, dưa các loại gần 14 nghìn ha…Trước những dự báo về hạn hán trong mùa khô 2024, ngành chức năng và các địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp để chủ động ứng phó, giảm tối đa thiệt hại có thể xảy ra.

Ông Võ Ngọc Châu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Địa phương cũng phối hợp với đơn vị liên quan đi kiểm tra và tuyên truyền cho bà con phương án chống hạn. Trong đó, phải thống nhất theo vùng nào được tưới, vùng nào không. Diện tích nào được sản xuất, diện tích nào phải bỏ để tránh thiệt hại.”

Ngoài cây trồng vụ Đông Xuân, thời điểm này các loại cây công nghiệp dài ngày như: Cà phê, hồ tiêu…cũng rất cần đến nguồn nước tưới. Nhất là đối với cây cà phê đang là giai đoạn đậu quả nên người dân tập trung tưới đợt 3, đợt 4 nhằm đảm bảo cho cây phát triển. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, mực nước tại các ao, hồ đang giảm dần, người trồng cà phê lo lắng sẽ không đủ nước tưới khi mùa khô vẫn còn kéo dài.

Anh Ksor Sa – Làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai nói: “Nước cũng hơi thiếu, làm cà phê cũng sẽ khó. Khu vực đây, nước đã hơi khô hạn, làm lúa, làm cà phê hơi cực chút. Không đủ nước năng suất không đạt, quả héo. Mình lo chứ.”

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nên mùa khô năm 2024 đến sớm và kéo dài hơn dự kiến, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số khu vực không chủ động được nguồn nước, xa công trình thủy lợi là rất lớn.

Làm sao để bảo vệ được sản xuất cho người dân trong mùa khô 2024 là nội dung đã được đưa ra thảo luận tại Hội nghị sơ kết công tác tháng 02 và triển khai nhiệm vụ công tác tháng 3 được UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào cuối tuần vừa qua. Theo Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai, ngành Nông nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch để phòng chống hạn cho cây trồng trong mùa khô này.

Ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai cho biết: “Hướng dẫn các địa phương chủ động, nếu xảy ra hạn sẽ huy động người, phương tiện, lực lượng và kinh phí để triển khai công tác phòng chống hạn. Chúng tôi đã làm việc với Tổng Công ty Phát điện 2 và Công ty thủy điện như An Khê- Ka Nak, Đak Srông 2, Đak Srông 2A để xả nước xuống sông Ba nhằm cung cấp nước cho hạ du, phục vụ sản xuất cho bà con.

Đồng chí Trương Hải Long – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trao đổi: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung theo dõi diễn biến tình hình thời tiết, hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2023-2024. Đặc biệt chú ý, tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp/. Xác định năm nay là năm hạn hán thì cần có sự chủ động trong triển khai thực hiện.”

Mùa khô Tây Nguyên dự kiến sẽ còn kéo dài hơn 2 tháng nữa. Với tình hình nắng nóng gay gắt như hiện tại thì nguy cơ gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Do đó, tập trung triển khai các giải pháp chống hạn được coi là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Ngọc Hà – Viễn Khánh – Huy Toàn


Lượt xem: 13

Trả lời