Tập trung phân tích, thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm, then chốt trong phiên thảo luận tổ

Cập nhật 08/12/2022, 17:12:01

Hôm nay (8/12), Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021 – 2026) bước sang ngày làm việc thứ hai. Trong phiên thảo luận tổ diễn ra trong ngày hôm nay, phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhân dân trong tỉnh và đối với sự phát triển của tỉnh Gia Lai trong thời gian tới, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận và làm rõ nhiều vấn đề trọng tâm, nhiệm vụ then chốt trên các lĩnh vực của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo được cử tri, Nhân dân quan tâm.

Tham gia thảo luận tại 5 tổ, các đại biểu đều cơ bản thống nhất với các chỉ tiêu tỉnh Gia Lai đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; đồng thời khẳng định: Mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch Covid -19 và áp lực lạm phát tăng cao, song với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; sự giám sát, đồng hành của HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp của UBND tỉnh; cùng sự chung sức, đồng lòng của doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn nên tỉnh đã thực hiện tốt việc phòng chống dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2022 là 9,27%, vượt chỉ tiêu nghị quyết là 0,65% và nhiều kết quả quan trọng khác trên các lĩnh vực khác như: giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu…

Cùng với đó, qua báo cáo của UBND tỉnh và các ngành, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến 2 chỉ tiêu không đạt so với nghị quyết đề ra. Đối với chỉ tiêu thu ngân sách, nguyên nhân chính là do thu tiền sử dụng đất và thu từ nguồn xuất – nhập khẩu không đạt. Qua đây, các đại biểu cũng đưa ra một số giải pháp nhằm đảm bảo chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023 đạt trên 5.900 tỷ đồng và cho cả giai đoạn 2023 – 2025 theo đúng mức tăng trưởng hàng năm mà Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã đề ra.

Đại biểu Nguyễn Anh Dũng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Kông Chro phát biểu: “Cơ sở pháp lý thứ nhất là Chỉ thị 12 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch tài chính năm 2023 là tăng từ 7 đến 9%  sau khi trừ các khoản thu về sử dụng đất, xổ số kiến thiết và các yếu tố thu bất thường và sau khi làm việc với Cục Thuế thì mức độ tăng trưởng là 10,5%. Nội dung thứ 2 là nghị quyết của BCH Đảng bộ là 9 đến 10% và của HĐND là tăng hơn 10% của cả giai đoạn 2021 – 2025 thì giai đoạn 2020 – 2025 là đạt 9,3% và giai đoạn 2023 – 2025 theo kế hoạch là 12,5% và tính đốc độ bình quân là 11%. Về giải pháp thu ngân sách là tập trung rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hút đầu tư và khi đó thì chúng ta thu được tiền sử dụng đất và nguồn vãng lai; còn về thuế xuất nhập khẩu thì chúng tôi đề xuất tiếp tục kiến nghị với Trung ương để tiếp tục đấu nối các công trình điện tái tạo và sau đó tính theo công tơ điện để tránh lãng phí.”

Đại biểu Nguyễn Trung Kiên – Phó Ban Kinh tế – Ngân sách, HĐND tỉnh Gia Lai phát biểu: “Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm thì qua nghiên cứu tôi thấy năm 2024 UBND tỉnh xây dựng tăng lên 1.200 tỷ so với tốc độ tăng bình quân những năm còn lại. Từ năm 2022 thì chúng ta xây dựng 5.827 tỷ và thực hiện là 5.474 tỷ và năm 2023 là chúng ta xây dựng 5.910 tỷ và tăng khoảng 100 tỷ nhưng năm 2024 là tăng 1.200 tỷ, tăng khoảng 20,67%. Tôi đề nghi UBND tỉnh xây dựng được số liệu thu ngân sách năm 2024 phù hợp với mức độ tăng trưởng qua các năm và trừ đi các yếu tố tăng đột biến thì phải báo cáo, xác định cụ thể để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.”

Đối với chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế không đạt so với nghị quyết, các đại biểu cho rằng là do yếu tố khách quan chịu ảnh hưởng Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ, song các ngành, địa phương cần có giải pháp để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu này năm 2023 là 92,75%.

Ngoài 2 chỉ tiêu trên không đạt so với nghị quyết thì đối với công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù hiện nay tiến độ của tỉnh Gia Lai nằm ở trên mức trung bình so với mặt bằng chung của cả nước song vẫn đạt thấp. Trên cơ sở những nguyên nhân đã được chỉ ra, qua thảo luận, các đại biểu cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, ngành để đảm bảo tiến độ giải ngân trong những năm sau.

Đại biểu Thái Thanh Bình – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Gia Lai đề nghị: “Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm có rất nhiều nguyên nhân song trong đó có nguyên nhân là việc giải phóng mặt bằng chậm. Vậy ở đây, chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về cấp nào và cần có biện pháp xử lý để đảm bảo cho công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong những năm sau đạt. Đồng thời, khi giải phóng được mặt bằng thì tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các dự án và đảm bảo được chất lượng công trình.”

Nhiều ý kiến thảo luận tại các tổ cho rằng: Trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2023, cần bổ sung thêm một số thuận lợi, nhất là khi Chính phủ đã triển khai chương trình thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị; đồng thời cần có giải pháp cụ thể để đảm bảo hoàn thành được các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; nhất là đối với các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ lớn. Trong đó, UBND tỉnh cần có kế hoạch tổng quát, cụ thể để giao các sở, ngành thực hiện.

Đại biểu Phan Quang Thái – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Đức Cơ nói: “Theo tôi thì UBND tỉnh cần xây dựng một kế hoạch tổng quát trong triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 trên cơ sở các chỉ tiêu cụ thể của từng sở, ngành tham mưu. Vì khi triển khai thực hiện thì các sở, ngành, địa phương là đơn vị thực thi còn UBND tỉnh nên chỉ đạo chung và trên cơ sở đó đến cuối năm chúng ta đánh giá để đảm bảo cho từng chỉ tiêu một.”

Đại biểu Huỳnh Quang Thái – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thị xã An Khê phân tích: “Phần mà nhận xét chung đấy thì phải tách thành từng nhóm vấn đề như phần đánh giá ưu điểm, kể cả phần đã đạt được. Ví dụ như nhóm vấn đề về kinh tế, nhóm vấn đề về văn hóa – xã hội, nhóm vấn đề về nội chính. Trong từng nhóm vấn đề thì cần phải đánh giá cả những ưu điểm, nhưng quan trọng nhất là cái tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan, tồn tại hạn chế. Nếu được thì xác định trách nhiệm, còn nếu không thì các đồng chí báo cáo giải trình trách nhiệm của các cơ quan. Trên cơ sở đó ta mới tính toán được, mới xác định được giải pháp, mục tiêu, nhiệm vụ cho phù hợp để khắc phục trong thời gian tới.”

Đối với chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 đề ra là 8,62%, một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về khả năng đạt được vì tốc độ tăng trưởng năm 2022 đạt 9,27%, đại diện ngành chức năng cũng đã giải trình làm rõ.

Ông Nguyễn Hữu Quế –  Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai nêu: “Về năm 2023 thì chúng ta dự đoán là chỉ tăng 8,62% thì qua kết quả thu hút đầu tư năm 2022 cũng như sắp tới một số nhà máy đưa vào vận hành thì chúng tôi nhận thấy khả năng tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp là không đạt cao. Toàn bộ hệ thống điện gió hiện nay so với trước chỉ đưa vào 150MW đó là những nhà máy này một phần đã được nghiệm thu đưa vào hoạt động thì khẳ năng năm 2023 tiếp tục hoạt động, còn lại gần 500MW nữa thì cũng phải chờ quy hoạch Điện 8 cũng như là giá mà Tập đoàn điện lực cũng như Bộ Công thương ban hành thì mới đưa vào hoạt động được. Do đó tỷ lệ của ngành công thương, ngành công nghiệp xây dựng khu vực 2 thì dự đoán tốc độ tăng trưởng không có sự đột biến, nếu như các dự án điện gió không đưa vào hoạt động. Đạt dự báo 8,62% thì chúng tôi dựa chủ yếu vào lĩnh vực du lịch sau thích ứng an toàn năm 2022 và năm 2023 thì một số lĩnh vực thu hút khách du lịch tiếp tục được triển khai thì lĩnh vực này sẽ là một cú hích cho tăng trưởng năm 2023. Còn nếu có đột biến ở đây thì đó là những vấn đề về quy hoạch Điện 8 và các nhà máy điện gió đi vào hoạt động thì tốc độ tăng trưởng năm 2023 sẽ tăng hơn nữa.”

Đối với các tờ trình được trình ra tại Kỳ họp lần này, các đại biểu đánh giá đây là những vấn đề rất quan trọng, bao quát trên nhiều lĩnh vực; trong đó nhiều vấn đề có tác động lớn và được cử tri, nhân dân quan tâm. Các đại biểu cũng cho rằng: Qua các báo cáo giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh trong năm 2022 đã chỉ ra những kết quả đạt được và một số tồn tại, hạn chế của các ngành, lĩnh vực nông – lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua; đồng thời, đã có những kiến nghị, đề xuất để thực hiện tốt trong thời gian tới. Đồng tình với báo cáo giám sát về công tác trồng rừng và quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2017 – 2021, các đại biểu cũng kiến nghị các cấp quan tâm giải quyết về chế độ cho lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ rừng.

Đại biểu Nguyễn Minh Trưởng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ia Pa, Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Ia Pa kiến nghị: “Tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan đề nghị các bộ, ngành liên có những điều chỉnh về cơ chế, chính sách cho đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng. Như phóng sự chúng ta xem ngày hôm qua, bình quân mỗi nhân viên quản lý, bảo vệ rừng quản lý khoảng 1.000 ha rừng trong khi lực lượng còn thiếu 100 biên chế mà chế độ lại rất thấp không như lực lượng Kiểm lâm. Như ở huyện Ia Pa chúng tôi có 2 Ban quản lý rừng và phải nói là anh em họ rất là khổ nên tôi có kiến nghị nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm.”

Liên quan đến tình trạng tai nạn giao thông tăng cả 3 chỉ số so với năm 2021, qua phân tích, đánh giá của ngành chức năng thì trong 310 vụ tai nạn xảy ra có 96% số vụ do ý thức chủ quan của chính người tham gia giao thông. HĐND tỉnh nên triển khai đợt giám sát chuyên đề an toàn giao thông; đồng thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành để cùng với lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kéo giảm, kiềm chế tình trạng tai nạn giao thông trên địa bàn.

Thiếu tướng Rah Lan Lâm – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai phát biểu: “Chúng tôi chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ cấp thôn, làng trở lên. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn giao thông. Đối với các ngành, địa phương cần quan tâm, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để triển khai các giải pháp và yêu cầu ký cam kết từ các thôn, làng, xã đến huyện và trong lực lượng cán bộ, đảng viên để hình thành văn hóa tham gia giao thông.”

Liên quan đến việc triển khai chậm Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được nhiều đại biểu đề cập, ngành chức năng cũng đã trả lời: Do nhiều vướng mắc, quy định liên quan nên kinh phí để triển khai chương trình là hơn 36,5 tỷ đồng đã được chuyển vào ngân sách Nhà nước của tỉnh để phục vụ cho nhiệm vụ công ích khác. Trước tình trạng thiếu giáo viên ở tất cả các địa phương trong tỉnh, các đại biểu cũng kiến nghị các cấp, ngành liên quan cần sớm phân bổ 1.224 chỉ tiêu giáo viên mà Chính phủ bổ sung cho tỉnh Gia Lai để đáp ứng nhu cầu dạy và học nhằm giảm bớt khó khăn, áp lực cho ngành Giáo dục. Cùng với đó, các đại biểu cũng kiến nghị các cấp cần đánh giá cụ thể tác động, hiệu quả của các chương trình, dự án được triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn với đó là tập trung triển khai có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân, nhất là trong vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số, cùng nhiều vấn đề quan trọng khác.

Theo chương trình, ngày mai (9/12), Kỳ họp thứ Chín, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII (nhiệm kỳ 2021- 2026) sẽ thảo luận chung tại Hội trường, tiến hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn; đồng thời, biểu quyết thông qua nhiều nghị quyết quan trọng và bế mạc vào chiều mai. Đài PT-TH Gia Lai sẽ tường thuật trực tiếp ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp và phản ánh trong các bản tin tiếp theo./.

Đoàn Bình – Đức Hải – R’Piên – Thanh Sáng


Lượt xem: 76

Trả lời