Tạo sinh kế cho người dân từ vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội

Cập nhật 23/10/2021, 10:10:42

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức  tạp và kéo dài  đã ảnh hướng rất lớn đến cuộc sống người dân. Chính vì vậy mà các địa phương đã tăng cường rà soát và nắm bắt nhu cầu để kịp thời đưa nguồn vốn ưu đãi của Chính Phủ đến với người nghèo, cận nghèo tiếp thêm nguồn lực để người nghèo tạo sinh kế, ổn định cuộc sống. Ps được thực hiện tại huyện Chư Pưh.

Mấy năm trước chồng chị KSor HKup  cùng với một số thanh niên trong làng Chư Bố 2, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh đi làm công nhân tại tỉnh Đồng Nai để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống cho gia đình. Năm 2019 khi dịch COVID 19 bùng phát, các công ty, nhà máy đóng cửa tạm dừng hoạt động, chồng chị Klup và những người đi làm ăn xa bị mất  việc làm đành trở về địa phương. Trong khi nhiều người trong làng lo lắng vì không có thu nhập, cuộc sống gặp nhiều khó khăn thì với gia đình chị Klup nỗi lo đó cũng đỡ đi phần nào bởi gia đình chị đã có nguồn sinh kế từ đàn dê gần 10 con, có vườn cà phê, vườn bắp, vườn mỳ cũng đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Sinh kế này có được là nhờ trước đây chị vay vốn  của NHCSXH dành cho hộ nghèo.

Chị KSor Hkup – Làng Chư Bố 2, xã Ia Phang huyện Chư Pưh, Gia Lai chia sẻ “Dịch bệnh kéo dài 2 vợ chồng không đi làm thêm được, thu nhập tuy có giảm hơn trước nhưng cũng không sợ đói vì có dê, có vườn, có rẫy. Thiếu tiền thì mình bán bớt dê để lo chi phí cũng đỡ lắm. Nói chung cũng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội mấy năm qua gia đình mình đầu tư vào chăn nuôi, chăm sốc cà phê nên cũng có tích lũy lo cho cuộc sống. Hiện tại gia đình đã trả được 20 triệu tiền gốc cho ngân hàng rồi. Tới mùa thu hoạch cà phê sắp tới gia đình sẽ cố gắng dành dụm trả hết nợ cho ngân hàng”.

Cũng nhờ nguồn vốn từ NHCSXH mà nhiều hộ nghèo, cận nghèo, nhất là hộ dân tộc thiểu số ở xã Ia Phang đã có điều kiện đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh covid 19 diễn biến phức tạp, kéo dài và khó lường, việc làm thêm không có, giá cả nông sản không ổn định. Vì vậy đối với nhiều gia đình, nguồn vốn tín dụng chính sách được xem như là cứu cánh để các hộ nghèo tạo sinh kế ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Chị Ksor Phuan – Làng Chư Bố 2, xã Ia Phang huyện Chư Pưh, Gia Lai nói: “Vừa rồi ngân hàng cho vay 30 triệu đồng để mua phân bón cho cà phê, nuôi bò, nuôi dê chứ dịch covid như thế này ai ai cũng ở nhà không có đi làm thêm, thu nhập không có, khó khăn lắm”.

Chư Pưh là địa phương có số lượng người dân vào Tp HCM và các tỉnh phía Nam làm việc rất nhiều. Bởi do mấy năm trước, hồ tiêu, loại cây trồng chủ lực của người dân Chư Pưh bị nhiễm bệnh chết hàng loạt, kéo theo đó giá cả giảm sâu, nông dân trồng tiêu thua lỗ nặng nên nhiều người đã bỏ đi nơi khác để tìm kiếm việc làm. Sau đợt bùng phát dịch COVID lần thứ 4 này, nhiều người đã trở về địa phương tiếp tục lao động sản xuất gắn bó với ruộng vườn. Và đối với họ nguồn vốn là yêu cầu bức thiết nhất. Chính vì vậy mà cấp ủy, chính quyền các địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện đã kịp thời rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ để hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn.

Ông Phan Minh Tứ – Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Trước thực trạng người dân từ các tỉnh phía Nam trở về, địa phương cũng đã bàn các giải pháp để hỗ trợ người dân. Cùng với nguồn vốn của NHCSXH, huyện cũng sẽ trích ngân sách ủy thác qua ngân hàng để tạo điều kiện giúp người dân có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, vượt qua khó khăn trong thời điểm này”.

Với cách làm linh động, kịp thời nên trong 9  tháng qua, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Gia Lai đã tập trung cho vay gần 1.600 tỷ đồng, với 43.853 lượt hộ vay; gia hạn nợ cho 1.428 hộ, với số tiền gần 50 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo phòng  giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và các đơn vị theo dõi, nắm bắt diễn biến, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng”.

Có thể thấy, khi người nghèo và các đối tượng yếu thế được tiếp cận kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách họ sẽ có điều kiện tạo sinh kế để vươn lên thoát nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, quyết tâm đẩy lùi đại dịch Covid 19./.

 Mỹ Linh, Viễn Khánh


Lượt xem: 34

Trả lời