Tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số

Cập nhật 29/9/2023, 15:09:45

Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 28) của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ 2021 đến năm 2025, hộ nghèo người dân tộc thiểu số được vay tối đa 100 triệu đồng, thời hạn cho vay tối đa là 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo để hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững. Tại huyện Chư Sê, nhờ tích cực triển khai thực hiện chính sách này đã tiếp thêm động lực giúp người dân vươn lên thay đổi cuộc sống.

Không có nhiều tư liệu sản xuất, gia đình anh Siu Cloi ở làng Tai, xã Ia Ko, huyện Chư Sê thuộc diện hộ nghèo từ nhiều năm nay. Cơ hội phát triển kinh tế  đã đến với gia đình anh khi Nghị định số 28 của Chính phủ được triển khai tại địa phương. Đầu năm 2023, được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi từ chương trình này, gia đình anh đã đầu tư mua bò để chăn nuôi và chăm sóc 200 cây cà phê. Có sinh kế mới, anh Siu Cloi kỳ vọng đời sống gia đình sẽ sớm có nhiều đổi thay tích cực.

Anh Siu Cloi – Làng Tai Glai, xã Ia Ko, huyện Chư Sê bày tỏ: “Hoàn cảnh gia đình mình đông con, rất khó khăn. Mới được nhà nước cho vay 50 triệu để nuôi bò, trồng cà phê. Mình rất vui và cố gắng làm ăn để thoát nghèo. Cảm ơn nhà nước đã giúp đỡ, mình rất vui.”

Cũng thuộc diện khó khăn và được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Nghị định 18, ngay sau khi được giải ngân, gia đình anh Kpuih Pup ở làng Tai, xã Ia Ko cũng nhanh chóng đầu tư vào sản xuất. Với tư liệu sản xuất gồm 3 con bò, 400 cây cà phê và 2 hecta điều, thu nhập và cuộc sống của gia đình anh Kpuih Pup chắc chắn sẽ được nâng cao trong thời gian tới.

Anh Kpuih Pup – Làng Tai Glai, xã Ia Ko, huyện Chư Sê chia sẻ: “Vay tiền Nhà nước tôi đã mua bò với 32 triệu đồng, còn lại tôi đầu tư trồng cà phê. Tôi mong gia đình mình sớm hết khó khăn.”

Ông Siu Luyên – Tổ trưởng Tổ vay vốn làng Tai Glai, xã Ia Ko, huyện Chư Sê nói: “2 hộ gia đình được vay thì làm kinh tế đầu tư mua bò, trồng cà phê. Kinh tế của các hộ cũng đỡ đỡ rồi. Sắp tới, các hộ phấn đấu thoát nghèo vào năm sau.”

Tính đến hết tháng 8.2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê đã cho vay 10 hộ với số tiền 500 triệu đồng. Đây là những hộ vay theo kế hoạch năm 2022. Theo kế hoạch phân bổ năm 2023, toàn huyện có 40 hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề. Dựa trên danh sách đối tượng thụ hưởng được UBND huyện Chư Sê phê duyệt, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ nhanh chóng tiến hành giải ngân theo đúng tiến độ.

Ông Nguyễn Đình Lý – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Sê thông tin: “Thực hiện Nghị định 28 của Chính phủ, NHCSXH huyện Chư Sê thực hiện cho vay 4 tiểu dự án thuộc dự án 1, cho vay về nhà ở, đất ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề. Trong thời gian qua, NHCSXH huyện Chư Sê đã chủ động nguồn vốn, căn cứ vào danh sách của UBND huyện phê duyệt các đối tượng thụ hưởng, phòng GD NHCSXH huyện đã triển khai cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng. 100% các đối tượng có nhu cầu đã tiếp cận được nguồn vốn này.”

Cùng với sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp giảm nghèo, việc triển khai cho vay để hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Nghị định 28 của Chính phủ với những ưu đãi thiết thực thể hiện tính nhân văn sâu sắc được xác định là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp hộ nghèo DTTS có thêm động lực để tự vươn lên thoát nghèo một cách bền vững thay vì “trông chờ ỷ lại” như trước đây.

Ngô Thanh – Duy Linh


Lượt xem: 8

Trả lời