Tảo hôn ở H’Bông

Cập nhật 18/9/2018, 07:09:44

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang là vấn đề nhức nhối trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tại xã H’bông, huyện Chư Sê, theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, có hàng chục trường hợp tảo hôn, nhiều trường hợp kết hôn khi chỉ mới 13, 14 tuổi. Những hệ lụy từ tảo hôn dù đã được nói nhiều, nhắc nhiều, những biện pháp ngăn ngừa tình trạng này cũng đã được đẩy mạnh nhưng vì sao nạn tảo hôn vẫn diễn ra dai dẳng.

Vợ chồng Ksor Ngân và Siu Voen ở làng Kueng Xí nghiệp, xã H’bông là một trong 31 cặp tảo hôn của xã tính từ đầu năm đến nay. Thời điểm kết hôn vào năm 2016, lúc đó Ksor Ngân mới 15 tuổi, Siu Voen chồng của Ngân cũng chưa đủ tuổi kết hôn. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ này gặp rất nhiều khó khăn bởi cả hai còn vụng về, thiếu thốn đủ mọi thứ khi có thêm con nhỏ.

Em Ksor Ngân cho biết:  “Lấy chồng lúc 15 tuổi. Vì không có ruộng đất nên rất khổ. Không làm được gì hết. Chồng cứ đi làm thuê, có mỳ thì bốc mỳ, có bắp bốc bắp. Em thì đi bẻ bắp”

Tương tự, vợ chồng Rơ Châm Hiệp cưới nhau khi cả hai mới 15, 16 tuổi. Nhà đông anh, chị, em sống chung với bố mẹ nên vợ chồng Hiệp phải dọn ra ở riêng. Với hai bàn tay trắng, bố mẹ dựng cho ngôi nhà tạm, hằng ngày vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn trang trải qua ngày.

Em Rơ Châm Hiệp, Làng Kueng Xí nghiệp, xã H’bông, huyện Chư Sê nói: “Hồi đó em lấy chồng mới 16 tuổi, chồng lại mới 15 tuổi nữa hiện tại hai vợ chồng em được 2 đứa con. Con đầu được gần 5 tuổi rồi, con thứ 2 gần 3 tuổi”.

Không riêng gì ở Làng Kueng Xí nghiệp mà tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra ở hầu khắp các thôn, làng người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã H’bông. Cụ thể, năm 2017, trên địa bàn xã xảy ra 52 cặp tảo hôn và 05 cặp hôn nhân cận huyết thống. Tập trung nhiều nhất tại các làng Kueng Xí nghiệp, Kueng Đơng, làng Dek, làng Kte1…Trong 6 tháng đầu năm 2018, xã có 31 cặp tảo hôn (giảm 40% so với năm trước) không có cặp hôn nhân cận huyết thống. Nhưng trong số 31 cặp tảo hôn trên, có 09 trường hợp xảy ra trong năm nay, 22 trường hợp còn lại xảy ra từ năm 2016, 2017 nhưng đến nay vẫn chưa đủ tuổi kết hôn.

Anh Phạm Hữu Viên, phó Chủ tịch UBND xã H’bông, huyện Chư Sê nói:  “Có thể nhìn thấy những trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thì các em về cơ thể vẫn chưa phát triển một cách toàn diện. Về tư duy cũng chưa thực sự phát triển thành ra trong quá trình làm ăn, sinh sống các em còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mặt kinh tế. Đặc biệt, đối với các em gái cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên ảnh hưởng đến sức khỏe rất là nhiều”.

Được biết, nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số đều không được học hành đến nơi đến chốn, thiếu hiểu biết về Luật Hôn nhân và gia đình nên cứ thích nhau là về sống với nhau. Đến khi con lớn, đủ tuổi mới đưa ra xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh. Chính vì vậy, chính quyền xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn.

“Với đặc thù của người dân tộc thiểu số khi người ta kết hôn thì chỉ cần có sự đồng ý của hai bên gia đình, điều này cũng mang lại nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương. Hy vọng rằng trong thời gian tới mình sẽ có những chế tài đủ mạnh, là công cụ đắc lực cho địa phương trong vấn đề hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết”, anh Phạm Hữu Viên, phó Chủ tịch UBND xã H’bông, huyện Chư Sê cho biết thêm.

Bích Thủy, Xuân Huy


Lượt xem: 103

Trả lời