Tạo đòn bẩy cho cuộc sống mới ở xã đặc biệt khó khăn

Cập nhật 15/12/2023, 16:12:47

Từ thực tế tiềm năng đất đai chưa được khai thác tốt, diện tích đất trống, đồi núi trọc bạc màu còn nhiều thì nay đã được xã Hà Đông, huyện Đak Đoa phát huy tối đa với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó nổi bật là trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng, kết hợp sản xuất lúa 2 vụ… Sự xuất hiện của những điển hình trong phát triển kinh tế hộ đã và đang khẳng định về hiệu quả kinh tế cũng như hướng đi đúng trong công tác giảm nghèo ở Hà Đông – một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa.

Khắp các triền đồi, sườn dốc ở xã Hà Đông, huyện Đak Đoa hôm nay là bạt ngàn rừng keo xanh tốt, được bà con Bahnar trồng và chăm sóc. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh trồng rừng kinh tế và cây dược liệu dưới tán rừng được chính quyền xã Hà Đông xác định là một trong những giải pháp trọng tâm để giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Từ các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã xây dựng phương án, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn cách làm giúp bà con chuyển đổi đất trống, đất trồng mì bạc màu sang trồng rừng một cách hiệu quả.

Lê Văn Trung – Công chức Địa chính  – Nông nghiệp, UBND xã Hà Đông, huyện Đak Đoa cho biết: “Các đoàn thể, ban ngành của xã cũng đã vào cuộc xuống vận động nhân dân trồng rừng./ Ban đầu dân đăng ký xong thì cán bộ địa chính nông nghiệp xuống khảo sát diện tích, kiểm tra đất nằm trong quy hoạch trồng rừng, đất có đảm bảo trồng cây hay không, sau đó nhà nước cấp giống thì chở giống về cấp cho từng hộ dân và giám sát hướng dẫn cách trồng. Phân tích tuyên truyền với bà con thì họ thấy: nếu như so với chu kỳ, thời gian trồng rừng với lại trồng mỳ để thu hàng năm thì đầu tư công rất là nhiều, mang lại kinh tế nếu cộng lại để so với chu kỳ mình khai thác cây rừng thì không bằng, nên bà con hưởng ứng rất cao.”

Anh Tyech ở làng Kon Sơ Nglok là một trong những người tiên phong đăng ký tham gia mô hình trồng rừng do xã Hà Đông triển khai.

Từ chỗ lo lắng ban đầu thì nay sau hai năm, rẫy keo lai với diện tích 1ha của gia đình anh Tyech có tỷ lệ sống 100%. Qua các đợt kiểm tra thực tế, hướng dẫn kỹ thuật, cán bộ nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã Hà Đông đánh giá: Diện tích cây trồng của anh Tyech sinh trưởng, phát triển rất tốt và điều này đã cho thấy tính phù hợp của mô hình kinh tế rừng đang được địa phương triển khai.

Anh Tyech – Làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa bày tỏ: “Nhờ xã cấp giống keo, hướng dẫn cách trồng, nay keo lớn rồi, mình mừng lắm..! Gia đình cố gắng làm theo chỉ dẫn của cán bộ xã, tiếp tục chăm sóc, trồng thêm cây keo. Mong rằng sau khi thu hoạch thì nhà mình sẽ có thu nhập ổn định, cuộc sống sẽ khá hơn..

Trong năm 2023, anh Tyech tiếp tục đăng ký mở rộng diện tích trồng thêm gần 300 cây keo lai. Kết quả bước đầu của những người tiên phong như anh Tyech đã giúp nhiều hộ nghèo ở Hà Đông thêm tự tin với mô hình mới, cây trồng mới, đặc biệt có nhiều gia đình còn đăng ký trồng rừng liên tục trong 3 năm liền. Tính đến thời điểm này, nhiều diện tích rừng trồng ở Hà Đông đã cho khai thác, giúp nhiều hộ đồng bào Bahnar nơi đây có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Bà Nguyễn Thị Thuý Nga – Trưởng phòng LĐ – TB & XH huyện Đak Đoa cho biết: “Đặc thù của xã Hà Đông là xã đặc biệt khó khăn của huyện, hơn 50% hộ nghèo, cho nên chúng tôi xác định việc hỗ trợ cho bà con canh tác tại địa phương bằng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp mà ở đây chủ yếu là phát triển rừng và các mô hình nuôi trồng. Các lớp tập huấn, đào tạo nghề cũng được triển khai ngay địa phương thì chúng tôi đặc biệt chú trọng đến việc khai thế mạnh là trồng rừng, sản xuất nông nghiệp, từng bước đã đem lại kết quả tích cực…”

Cùng với phát huy thế mạnh trồng rừng kinh tế; cấp uỷ, chính quyền xã Hà Đông còn tập trung lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư giúp người dân phát huy được nguồn lực hỗ trợ. Nhất là chú trọng hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi để mở rộng diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ.

Đây là hệ thống công trình thuỷ lợi Đak Pơ Nưk, từ khi đi vào hoạt động đã đảm bảo việc cấp nước tưới cho 19 ha lúa nước của người dân ở làng Kon Sơ Nglok. Nguồn nước tưới được đảm bảo, cộng với sự chỉ dẫn về kỹ thuật canh tác của cán bộ nông nghiệp đã giúp năng suất lúa của bà con tăng lên rõ rệt; nhiều hộ không chỉ đủ ăn mà còn có lúa dư để bán.

 Anh Họ – Bí thư Chi bộ làng Kon Sơ Nglok, xã Hà Đông, huyện Đak Đoa chia sẻ: “Từ khi nhà nước làm thủy lợi này, bà con nói chung làm lúa năng suất cao hơn. Trong thời gian tới, UBND xã, thôn vận động nhân dân làm nhiều hơn và mong muốn thay đổi giống khác để có lúa 2 vụ và năng suất tốt hơn.”

Bà Choac – Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông, huyện Đak Đoa cho biết: “Trong năm vừa qua, ý thức của bà con nói chung tốt hơn. Khó khăn của bà con hiện tại là chăm sóc các loại cây trồng vẫn chưa được, mặc dù có hướng dẫn của cán bộ trên xã xuống. Bà con chưa biết cách áp dụng khoa học kĩ thuật nên vẫn chưa phát triển được kinh tế. Trong thời gian tới, UBND xã cùng với Đảng ủy, mặt trận và các đoàn thể tập trung xuống tuyên truyền cho bà con, nhất là về chăm sóc loại cây trồng cũng như vật nuôi để bà con phát triển kinh tế.”

Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đak Đoa, tỷ lệ đồng bào Bahnar gần 100%, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy chuyện giảm nghèo chưa bao giờ là dễ dàng đối với Hà Đông. Thế nhưng, dưới sự quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền đã giúp thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con đồng bào DTTS trong việc học kiến thức làm kinh tế nông nghiệp; biết phát huy lợi thế về đất đai, phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững.

 Kim Ngân – Viễn Khánh


Lượt xem: 2

Trả lời