Tăng cường trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em

Cập nhật 23/8/2023, 16:08:24

Nhằm tăng cường trang bị kỹ năng an toàn ở môi trường nước cho trẻ em, tại các lớp dạy bơi, bên cạnh việc hướng dẫn để trẻ biết bơi, thành thạo kỹ thuật các kiểu bơi, giáo viên, huấn luyện viên cũng trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn, phòng tránh đuối nước; khuyến khích trẻ em, học sinh học bơi an toàn để từ đó hình thành các kỹ năng sinh tồn cần thiết, chủ động ứng phó khi không may gặp tai nạn đuối nước. Thông qua việc trang bị kỹ năng, các em biết, chủ động bảo vệ bản thân mọi lúc, mọi nơi.

Tại các lớp dạy bơi, giáo viên, huấn luyện viên luôn lưu ý 9 nguyên tắc an toàn trong môi trường nước:

  1. Không xuống dưới nước nếu không biết bơi
  2. Luôn cảnh giác, cẩn thận khi vui chơi tại các khu vực ao, hồ, sông, suối
  3. Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em tại cộng đồng, gia đình, trường học
  4. Chấp hành các quy định khi tham gia giao thông đường thủy
  5. Học bơi theo trường lớp có người quản lý
  6. Không bơi lội một mình
  7. Không bơi lội khi không có người giám sát
  8. Không bơi lội trong vùng nước bẩn
  9. Ra khỏi vùng nước khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi

Cùng với việc trang bị kiến thức, kỹ năng để chủ động phòng tránh đuối nước thì học bơi an toàn là cách phòng tránh đuối nước hiệu quả nhất, giúp trẻ em chủ động thoát khỏi những yếu tố nguy hiểm trong môi trường nước bất ngờ xảy ra và  bảo vệ an toàn đối với bản thân, góp phần phòng tránh đuối nước cho cộng đồng, xã hội. Bên cạnh đó, tại các lớp học bơi, các em còn được trang bị các em kiến thức về cứu đuối an toàn.

Anh Hoàng Kim Doanh – Trung tâm Dạy bơi Yết Kiêu, TP. Pleiku hướng dẫn: “Khi nạn nhân đang đuối nước, chúng ta phải ứng cứu trực tiếp bằng phao, hoặc 1 vật nổi có ở xung quanh ta. Nạn nhân cầm và chúng ta kéo vào từ từ sau đó đưa nạn nhân lên bờ. Sau đó tiến hành kiểm tra xem nạn nhân có thở không thì tiến hành sơ cấp cứu. Nếu nạn nhân không thở thì tiến hành hô hấp và móc dị vật, tiến hành hô hấp cho nạn nhân.”

Sau khi tiếp cận được người bị đuối nước, cần nâng đầu cao hơn mặt nước nhằm giúp người bị đuối nước hô hấp và bình tĩnh trở lại. Người bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức.

Anh Hoàng Kim Doanh – Trung tâm Dạy bơi Yết Kiêu, TP. Pleiku nói: “Đặt trẻ nằm ngửa trên sản trong tư thế đầu thấp. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức. Quan sát lồng ngực của trẻ không còn di động cần thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần. Trước đó, cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo. Hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 – 3 cm với nhịp điệu 2 lần/giây.”

Ðể an toàn trong môi trường nước thì biết bơi chưa đủ mà còn phải thành thạo các kỹ năng an toàn để tự cứu mình trước những rủi ro. Vì thế, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức cho trẻ em, học sinh để các em biết và tuân thủ các nguyên tắc khi đi chơi ở những khu vực như sông, hồ, ao, vũng nước sâu là hết sức cần thiết.

Em Nguyễn Minh Thịnh – Phường Yên Đổ, TP. Pleiku bày tỏ: “Con thấy học bơi rất vui, mang lại lợi ích cho mình, con không sợ nước nữa. Con thấy sức khỏe mình được cải thiện, con biết cứu đuối an toàn.”

Ở môi trường nước các em vui chơi, khám phá nhiều điều mới lạ; tuy nhiên luôn tiềm ẩn những nguy cơ gây đuối nước. Vì thế, cần giáo dục trẻ em, học sinh học bơi an toàn, học những kỹ năng phòng tránh đuối nước, hình thành các kỹ năng sinh tồn cần thiết để chủ động ứng phó khi không may gặp tai nạn đuối nước cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia hoạt động trong môi trường nước để từ đó bơi lội thực sự trở thành môn thể thao phát triển toàn diện cho con người, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc đuối nước thương tâm

Nhâm Dung – R’Piên


Lượt xem: 5

Trả lời