Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Cập nhật 20/11/2017, 08:11:31

Kỹ năng tiếng Việt là một hạn chế đối với các em học sinh dân tộc thiểu số trong giao tiếp, ứng xử, đặc biệt là trong việc tiếp thu kiến thức văn hoá. Đó là vấn đề đặt ra trong việc nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ giáo viên, nhiều trường học đã có cách làm hay trong việc giúp học sinh  vận dụng tốt ngôn ngữ phổ thông. Ghi nhận từ cách làm ở Trường Tiểu học Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai – nơi có 100% học sinh dân tộc thiểu số.

Hào hứng với những hoạt động ngoại khoá, vừa học vừa chơi…

Lớp học được trang trí đẹp, bắt mắt với nhiều góc học tập…

Có thể đọc sách ở mọi nơi, trong lớp học, ngoài sân trường, hay ở thư viện thân thiện…

Đó là niềm vui mỗi ngày đến trường của hơn 400 em học sinh Trường Tiểu học Ngô Mây, xã Ia Der, huyện Iagrai.

Em RMah H’Lisa-Học sinh Trường TH Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai chia sẻ: Đến trường con thấy rất là vui. Những giờ học cô thường cho các em chơi trò chơi, đọc sách, đọc truyện.

Em Rmah H’Lan-Học sinh Trường TH Ngô Mây, xã ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Ở trường em có nhiều truyện, sách hay, em rất là thích, mỗi khi ra chơi em thích vào thư viện đọc sách”.

Lớp học với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, làm thế nào để các em đọc thông, viết thạo tiếng Việt là điều không dễ dàng. Điều này đòi hỏi giáo viên phải biết vận dụng nhiều phương pháp, đổi mới, sáng tạo trong cách dạy.

Cô Nguyễn Thị Minh Thuỳ – Giáo viên Trường TH Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Kỹ năng đọc viết cho học sinh cực kỳ quan trọng nên trong những bài dạy chúng tôi phải tăng cường nhiều cách. Ví dụ những bài kể chuyện khó thì chúng tôi chuyển thành những bài đọc cho phù hợp. Đặc biệt về nhà luôn có phiếu học tập để các em thực hiện ở nhà và trong phiếu về nhà có ký nhận của bố mẹ nên chúng tôi thu nhận được kết quả rất tích cực”.

Cô Ngô Thị Phương Yến – Hiệu trưởng Trường TH Ngô Mây, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai cho biết: “Đội ngũ giáo viên khi soạn giảng luôn tìm tòi, sáng tạo trong cách dạy. Ví dụ liên hệ với phụ huynh làm đồ dùng dạy học gần gũi với các em, nghiên cứu tổ chức trò chơi, để tiết học sôi nổi không chỉ dạy theo phương pháp truyền thống mà các cô tổ chức theo nhóm, tổ chức những trò chơi ngay trong lớp học. Ví dụ kiểm tra bài cũ, thay vì kiểm tra đơn giản lên đọc thôi thì các cô tổ chức trò chơi để các em đều được giao tiếp, kiểm tra với nhau; mỗi khi chuyển sang hoạt động khác đều tổ chức trò chơi nho nhỏ mang tính chất học, để các em hứng thú, sôi nổi trong quá trình tiếp thu bài mới”.

Học sinh mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, vốn tiếng Việt được tăng cường, các em yêu thích đến trường…đó là kết qủa từ việc xây dựng môi trường học tiếng Việt thông qua các hoạt động giáo dục ngoại khoá, đưa sách báo đến gần với học sinh tại Trường Tiểu học Ngô Mây trong nhiều năm qua.

Kim Châu, Đặng Trà


Lượt xem: 107

Trả lời