Tận tâm với học trò vùng khó

Cập nhật 03/1/2020, 08:01:12

Vẫn biết nghề giáo là nghề vinh quang nhưng cũng lắm nhọc nhằn và khi đã lựa chọn gắn bó với nghề này thì bản thân các giáo viên cũng đã xác định sẽ phải nỗ lực vượt qua khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Thế nhưng, có đến tận nơi, nghe các giáo viên trải lòng về nghề, về học trò vùng khó mới cảm nhận phần nào sự tận tâm mà họ, nhất là những cô giáo dành cho công việc này, để góp phần đưa ánh sáng tri thức đến với các học trò, đặc biệt là học trò vùng khó.

Tranh thủ giờ ngủ trưa của trẻ, các cô giáo, kể cả thành viên ban giám hiệu Trường Mẫu giáo Sơn Ca, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa sắp xếp công việc để phụ chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Mỗi cô giáo đảm nhiệm 2, thậm chí 3 công việc là chuyện không có gì lạ trong điều kiện nhà trường có 15 lớp với gần 500 trẻ mầm non thuộc 5 điểm trường nhưng chỉ có 11 giáo viên trong biên chế. Sự thiếu hụt về đội ngũ là một trong những khó khăn rất lớn để Trường Mẫu giáo Sơn Ca thực hiện nhiệm vụ năm học. Thế nhưng trong tâm sự về nghề, trăn trở lớn nhất của các cô vẫn là điều kiện nhiều thiệt thòi của trẻ vùng khó khăn.

Cô giáo Hoàng Thị Bảy, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa cho biết: “Trong những năm qua về công tác XHH lớp 3 tuổi, nhân dân phải đóng góp để trả lương cho nhân viên và cấp dưỡng nên nhiều gia đình quá khó khăn không đủ tiền đóng nên ngại không đưa con đến trường, điều này ảnh hưởng đến tỷ lệ huy động trẻ đến lớp”.

Mặc dù không có quy định về giới tính nhưng có lẽ do đặc thù của công việc nên giáo viên mầm non ở Gia Lai hết thảy đều là nữ. Không chỉ dạy mà còn phải dỗ, các cô giáo mầm non có lẽ là những giáo viên vất vả nhất. Theo đó, giáo viên mầm non vùng khó khăn, công việc càng nhọc nhằn hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Phụng, Giáo viên trường Mẫu giáo Hoa Mai, xã Yang Bắc, huyện ĐakPơ chia sẻ: “Nhất là vận động học sinh ra lớp, với những làng xa phụ huynh rất nghèo khổ, không có tiền làm giấy khai sinh cho học sinh. Giáo viên chúng tôi phải làm giấy khai sinh, hộ khẩu để các cháu có thể đi học được.  Rất là thương. Giáo viên rất nhiệt tình vận động học sinh để các cháu đi học”.

Không chỉ gắn bó với khuôn viên trường lớp, dấu chân của các cô giáo vùng DTTS còn đến với từng ngôi nhà, từng nương rẫy, để lắng nghe câu chuyện của mỗi phụ huynh từ đó sẻ chia và hỗ trợ để đưa các em đến được với trường, được vui chơi, học tập. Khó có thể lý giải được động lực nào đã giúp các cô vượt khó nếu không phải là tình yêu nghề, mến trẻ và mong muốn bù đắp cho những đứa trẻ vốn chịu nhiều thiệt thòi. Và điều đó cũng lý giải vì sao, nhiều cô giáo chấp nhận những mùa hè không nghỉ, vẫn nhiệt tâm với sự nghiệp trồng người.

Cô giáo Nguyễn Thị Anh Đào, Trường TH – THCS Lương Thế Vinh, xã Ya Hội, huyện Đak Pơ cho biết: “Trước khi vào năm học mới, nhà trường ôn luyện tiếng Việt cho các em để các em nhớ lại kiến thức học ở năm trước.  Cũng có vất vả nhưng vì lòng yêu nghề mến trẻ nên hàng ngày tôi đến làng vận động bằng nhiều hình thức như cho quà bánh, những viên bi hay tổ chức các trò chơi dân gian để các em vui đến trường. Cũng không thấy thiệt thòi vì mình quen với việc này rồi, thấy các em đến lớp là vui rồi”.

Mỗi cấp học, bậc học có một đặc điểm riêng theo đó cũng có yêu cầu riêng cho giáo viên. Nhưng yêu cầu chung nhất đối với nhiệm vụ ươm chữ trồng người ở các ngôi trường không thuộc vùng thuận lợi đó là sự tâm huyết với nghề và trách nhiệm với các em học sinh. Trong năm mới 2020 mong sao những giáo viên đang gắn bó với những ngôi trường vùng khó sẽ nhận được sự sẻ chia, động viên và đặc biệt là sự cộng đồng trách nhiệm để tiếp tục vững tay chèo đưa những chuyến đò chở những mầm non tương lai cập những bến bờ tri thức./.

Hòa Giang, Viễn Khánh


Lượt xem: 35

Trả lời