Tâm lý của giáo viên và học sinh trước bộ đề thi thử nghiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Cập nhật 13/2/2017, 08:02:08

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công 14 đề thi thử nghiệm kỳ thi THPT quốc gia năm 2017. Đây là cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy hoc và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Trong đó, có rất nhiều môn thi lần đầu tiên sử dụng hình thức thi trắc nghiệm được học sinh và giáo viên đặc biệt quan tâm.

Bộ đề thi thử nghiệm gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung là cơ sở để thí sinh và các nhà trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.

Được biết, Bộ GD ĐT sẽ tiếp tục triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi bao gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với giáo dục thường xuyên).

Theo nhận xét của một số giáo viên và học sinh thì nhìn chung đề thi thử nghiệm lần này mức độ khó hơn so với đề thi minh họa mà Bộ GD ĐT công bố hồi tháng 10 vừa qua. Các câu hỏi cũng yêu cầu học sinh phải nắm kiến thức sâu hơn và tư duy mới làm được.

Em Võ Hồng Thịnh, Học sinh lớp 12A7, Trường THPT Hoàng Hoa Thám – TP Pleiku nhận xét: Đề của Bộ thì em thấy khá sát. So với bộ đề lần 1 thì bộ đề lần 2 em thấy nó khá ổn. Đặc biệt là em rất quan tâm đến môn Toán, lần đầu tiên thi trắc nghiệm toàn bộ. Em thấy đề có sự phân hóa nhưng chưa rõ ràng.

Thầy Nguyễn Văn Chín, Tổ trưởng Tổ Vật Lý, Trường THPT Hoàng Hoa Thám – TP Pleiku cho biết: “Trong đề thi thử của bộ thì tôi thấy học sinh của chúng tôi cũng có thể đáp ứng được, trong đó khoảng tầm 6 điểm thì học sinh trung bình cũng có thể đạt được, 8 điểm thì học sinh khá cũng dễ dàng đạt được. 2 điểm còn lại đối với học sinh giỏi có thể đạt được”.

Trước những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia 2017, Trường THPT Hoàng Hoa Thám – TP Pleiku đã chủ động lên kế hoạch với những phương pháp ôn tập phù hợp; đặc biệt ưu tiên dạy phụ đạo cho những học sinh có học lực yếu.  Theo đó, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp với giáo viên bộ môn phân loại học sinh theo khả năng nhận thức của từng em để bố trí lớp và thời gian ôn tập hợp lý. Hiện tại, nhà trường đang tổ chức ôn tập 3 môn gồm: Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ với 02 tiết/môn/tuần, nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi.

Cô Nguyễn Thị Thương, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám – TP Pleiku cho biết: “Năm nay, theo xu hướng của Bộ thì bố trí 24 học sinh trong một phòng thi, mỗi học sinh có một đề thi riêng biệt. Hiện tại rất lo đối với các em học sinh ở tổ hợp khoa học xã hội, còn tiếp cận đề thi mẫu do bộ ban hành thì đối với nhà trường quán triệt với thầy cô thường xuyên cập nhật họ cũng rất có trách nhiệm và hầu hết các bộ đề đều được thầy cô giới thiệu đến học sinh để làm quen”.

Bộ đề thi thử nghiệm mới nhất cũng đã cụ thể hóa về nội dung, định lượng trong mỗi bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội gồm 120 câu hỏi với 4 lựa chọn duy nhất một phương án đúng. Thời gian làm bài thi trắc nghiệm 150 phút. Bài thi Ngoại ngữ cũng được tăng số câu hỏi lên thành 50 câu (trước là 40 câu) nhưng thời gian làm bài thi vẫn là 60 phút. Riêng môn Toán vẫn 50 câu hỏi trắc nghiệm và thời gian làm bài là 90 phút.

Bích Thủy, Huy Toàn


Lượt xem: 98

Trả lời