Tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai diễn biến phức tạp

Cập nhật 18/5/2020, 17:05:21

Tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số hiện diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gây ra những hệ lụy cho cộng đồng, xã hội. Các cấp ngành, lực lực lượng chức năng dù triển khai nhiều giải pháp xong chưa thể đẩy lùi được vấn nạn này khi mà ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân còn rất hạn chế.

Theo thống kê từ Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng năm 2019 và 4 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Gia Lai ghi nhận 213 vụ tai nạn giao thông liên quan người dân tộc thiểu số, làm chết 142 người, 184 người bị thương. Điều đáng quan ngại, trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra có đến 30 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng làm chết 68 người, bị thương 20 người. Nổi cộm nhất, lứa tuổi thanh thiếu niên gây tai nạn giao thông diễn biến rất phức tạp khi ghi nhận tới 118 vụ, trong đó lứa tuổi dưới 18 tuổi người dân tộc thiểu số gây tai nạn là 43 vụ, từ 18 đến 30 tuổi là 75 vụ.

Ông Lê Văn Hạnh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Gia Lai cho biết: “Những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây chết nhiều người đều liên quan đến thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số. Qua theo dõi, thống kê điều tra thì chúng tôi thấy rằng có nhiều nguyên nhân liên quan đến vấn đề này, trong đó nổi lên một số nguyên nhân. Thứ nhất là tập tục của đồng bào dân tộc thiểu số là họ rất chiều con cái, khi các cháu mới 14, 15 tuổi thì thấy bạn bè, người khác có xe, nếu đòi thì gia đình tuy điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng vẫn mua xe cho con, trong khi các thanh thiếu niên này chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện, chưa có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi, rồi các kỹ năng điều khiển thì không có. Một nguyên nhân nữa thì chúng tôi thấy rằng, các vụ tai nạn xảy ra ở vùng sâu vùng xa, vì vậy chất lượng của các phương tiện giao thông, cụ thể ở đây là xe máy là không đảm bảo”.

Để từng bước kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Theo đó các ngành, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ đến tận thôn, làng, rà soát các đối tượng thường xuyên gây rối, đua kéo, gây rối trật tự an toàn giao thông để có biện pháp giáo dục, răn đe đặc biệt. Cùng với đó, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung vào các tuyến đường, địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Thượng tá Lê Văn Châu – Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Gia Lai cũng cho biết: “Sẽ tăng cường quyết liệt hơn nữa, tập trung vào các giờ cao điểm, nhất là từ 17h đến 22h hàng ngày, nhất là thứ 7 và chủ nhật để mà xử lý. Cùng với đó thì phối hợp với công an các địa phương vừa tuyên truyền, vừa tăng cường công tác xử lý, nhất là các nhóm hành vi mà có nguy cơ tiềm ẩn gây tai nạn giao thông”.

Đ/C Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai chỉ đạo: “Gắn với tuyên truyền giáo dục về trật tự an toàn giao thông thì phải có giám sát kiểm tra các hành vi tham gia an toàn giao thông. Bởi ai tham gia giao thông cũng nhận biết được là vi phạm nếu phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu bia…nhưng hành động lại không gắn liền với nhận thức đó thì cái này phải được kiểm tra kiểm soát, phải xây dựng được một văn hóa giao thông cho thật tốt”.

Thiết nghĩ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân cần chủ động nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ, khi đó mới có thể kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông một cách bền vững./.

Đoàn Bình – Thanh Sáng – R’Piên


Lượt xem: 54

Trả lời