Tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp với thực tiễn của địa phương

Cập nhật 25/5/2022, 17:05:31

Sáng nay (25/05), Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016 – 2020” tại UBND tỉnh. Chủ trì buổi giám sát, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh Gia Lai triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải nâng cao được giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời phải phù hợp với thực tiễn địa phương. Buổi giám sát tại UBND tỉnh Gia Lai còn có sự đồng chủ trì của các đồng chí: Trương Văn Đạt, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Ayun H’Bút, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Về phía UBND tỉnh Gia Lai, dự buổi giám sát có các đồng chí: Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Buổi giám sát còn có sự tham gia của các thành viên Đoàn giám sát HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Tại buổi giám sát, các thành viên của đoàn giám sát HĐND tỉnh đã nêu ra các ý kiến, đánh giá và có những đề xuất với UBND tỉnh để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Trong đó, đáng lưu ý là vấn đề quản lý, quy hoạch đất đai sản xuất nông nghiệp; mức đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp; các chính sách phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Võ Ngọc Thành đánh giá cao về nội dung, kết quả giám sát của HĐND tỉnh. Liên quan đến đề xuất quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, theo Luật quy hoạch, nội dung quy hoạch kinh tế – xã hội đã bị bãi bỏ mà thay vào đó là quy hoạch chung của tỉnh, do đó, để quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp sát với thực tế, có hiệu quả, các địa phương cần phải chủ động triển khai nội dung này. Đồng thời, theo đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, các ngành cũng cần xem lại cách đánh giá về một số chỉ tiêu, như trồng rừng, giá trị xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp; bởi qua báo cáo cho thấy, việc đánh giá các chỉ tiêu này chưa thật sự sát với thực tế. Liên quan đến xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, theo đánh giá của đồng chí Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, số doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào chuỗi liên kết đang còn rất ít, nếu không có giải pháp tăng cường liên kết sẽ rất khó để phát triển sản xuất bền vững.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Hồ Văn Niên, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị: Việc định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải tạo được mối liên kết, huy động được thành phần tham gia như nông dân, HTX, doanh nghiệp. Tái cơ cấu phải nâng cao được giá trị gia tăng, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Các địa phương phải chủ động trong triển khai, tránh lúng túng trong thực hiện. Làm quy hoạch trong nông nghiệp cho thật sự bài bản, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất hàng năm và từng thời kỳ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu phải góp phần nâng cao được sản phẩm nông nghiệp, có năng suất, chất lượng, hiệu quả. Nhà nước làm quy hoạch, chính quyền định hướng cho người dân và doanh nghiệp làm theo quy hoạch. Quy hoạch thủy lợi, giao thông trong nông nghiệp phải đầy đủ. Phải có công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch thì mới tạo ra được giá trị gia tăng, do vậy, tỉnh cần kêu gọi đầu tư nhiều hơn các nhà máy chế biến. Đồng thời, tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp khi đầu tư trên địa bàn tỉnh phải làm tốt vấn đề môi trường và sử dụng lao động địa phương. Cùng với đó, các ngành của tỉnh phải đánh giá lại các cơ chế chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp, trong đó, cần đánh giá về tính hiệu quả, tính phù hợp, từ đó có những đề xuất để sửa, thay thế bằng các chính sách mới nếu không còn phù hợp, không mang lại hiệu quả.

Bên cạnh nội dung chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đoàn giám sát cũng đã tổng hợp một số nội dung đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện, bổ sung vào báo cáo để trình HĐND tỉnh và bổ sung vào Chương trình “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai  giai đoạn 2020 – 2021”.

Ngọc Hà, Duy Linh


Lượt xem: 15

Trả lời