Sức sống trên những vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu

Cập nhật 02/5/2023, 09:05:26

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn trái theo định hướng và quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, cùng với tập trung lựa chọn các loại cây trồng phù hợp để mở rộng diện tích, thâm canh tăng năng suất thì các địa phương đã định hướng cho bà con nông dân, HTX, doanh nghiệp áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, đạt tiêu chuẩn để phục vụ mục tiêu xuất khẩu chính ngạch hàng nông sản của Gia Lai ra các thị trường lớn trên thế giới. Chính hướng đi này đang tạo nên sức sống mới trên các vùng trồng cây ăn trái của tỉnh.

Trang trại sầu riêng có diện tích hơn 10 ha tại xã Ia Tôr, huyện Chư Prông đang chuẩn bị bước vào thu hoạch năm đầu tiên. Điều đáng nói là ngay khai bắt đầu bước vào vụ cho thu hoạch đầu tiên, trang trại này đã được cấp mã số vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây cũng chính là đơn vị trồng sầu riêng đầu tiên của huyện Chư Prông xây dựng thành công mã số vùng trồng cho sản phẩm cây ăn trái này và được phía đối tác chấp nhận. Điều này đã mở ra cơ hội để sản phẩm của trang trại tiêu thụ tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Ông Sơn Tuấn Phương – Quản lý trang trại Hướng Dương, xã Ia Tô, huyện Chư Prông, Gia Lai chi sẻ: “Năm nay đã bước sang năm thứ 4. Để làm được sản phẩm ra thị trường được chất lượng thôi, mình quản lý và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật. Công nghệ cao được áp dụng hàng ngày trên vườn cây để theo dõi sự phát triển của vườn cây hàng ngày.”

Tích cực xây dựng mã số vùng trồng cho cây ăn trái theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, đến nay huyện Chư Prông đã có 21 mã số vùng trồng được cấp cho các loại cây trồng như: chuối, mít, thanh long, sầu riêng, chanh dây. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái của địa phương trong thời gian qua hết sức thuận lợi.

Ông Nguyễn Văn Luyến – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Chư Prông, Gia Lai nói: “Triển khai Nghị quyết của Đảng bộ huyện về tiếp tục ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao. Và thực hiện Kế hoạch về phát triển cây ăn quả của huyện và tỉnh theo Đề án 09. Huyện đã triển khai được 21 mã vùng trồng về chuối, mít thanh long, sầu riêng, chanh leo. Việc xây dựng được mã số vùng trồng thì đang giúp cho người nông dân và các HTX, doanh nghiệp xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.”

Phát triển cây ăn trái trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang có sự chuyển dịch dần từ việc ồ ạt mở rộng diện tích sang sản xuất thâm canh, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trên mỗi vườn cây, nông dân, HTX và các doanh nghiệp đang cùng bắt tay nhau thông qua thực hiện các mô hình liên kết chuỗi để chuẩn hóa quy trình sản xuất, góp phần tạo nên các sản phẩm đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chất lượng và số lượng để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm – Giám đốc HTX NN & DV Hùng Thơm, huyện Mang Yang, Gia Lai cho biết: “HTX đã triển khai nhiều kế hoạch, kết hợp với doanh nghiệp bà con nông dân để lập nên quy trình đúng chuẩn theo yêu cầu của đối tác. Hiện tại, theo mô hình truy xuất nguồn gốc đúng chuẩn, đưa hệ thống của nông hộ vùng trồng đúng chuẩn, truy xuất vùng trồng từng nông hộ để tạo niềm tin cho khách hàng. Sau khi liên kết xây dựng mã vùng trồng ở nhiều nơi thì nguồn nguyên liệu tăng lên gấp đôi, nâng cao hiệu quả về kinh tế.”

Tính đến hết quý I năm 2023, Gia Lai đã có 128 mã số vùng trồng cây ăn trái gồm chanh dây, chuối, dưa hấu, thanh long, xoài, mít, sầu riêng được cấp với tổng diện tích trên 7 nghìn 400 ha và 32 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1 nghìn 245 đến 1 nghìn 395 tấn quả tươi/ngày. Qua đó phục vụ hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Mỹ…

Ông Đoàn Ngọc Có – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Gia Lai trao đổi: “Tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Việc xây dựng mã vùng trồng góp phần cho nông sản Gia Lai, đặc biệt là cây ăn trái có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn trên thế giới. Góp phần thúc đẩy ngành hàng cây ăn trái của Gia Lai, thúc đẩy thực hiện Đề án 107 của UBND tỉnh về phát triển về rau, củ quả trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.”

Tư duy mới, cách thực hiện mới từ chính mỗi nông dân cũng như các HTX và doanh nghiệp sẽ góp phần hình thành những vùng cây ăn trái tập trung, có quy mô, chất lượng trên địa bàn tỉnh. Nỗi lo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sẽ không còn là sự đau đáu của nông dân khi bước vào mỗi vụ sản xuất. Mà thay vào đó sẽ là niềm tin, sự phấn khởi khi nông dân được nhìn thấy sản phẩm do chính tay mình sản xuất ra được vươn xa trên thị trường.

Ngọc Hà – Phi Long – Minh Trung


Lượt xem: 4

Trả lời