Sức sống mới dọc đường 7 – sông Bờ

Cập nhật 17/3/2024, 10:03:11

Chiến thắng Đường 7 – sông Bờ diễn ra tháng 3 năm 1975 đã đập tan cuộc tháo chạy chiến lược của địch từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Duyên hải miền Trung chờ thời cơ phản công; góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Tây Nguyên; tạo thế và lực lớn để đi đến đại thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Quá khứ hào hùng với những chiến công oanh liệt đã tiếp thêm sức mạnh để dọc Đường 7 năm xưa, nay là Quốc lộ 25 (từ Chư Sê đến Phú Yên) ngày càng khởi sắc.

Dọc đường 7 – sông Bờ năm xưa bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Nhiều buôn, làng bị xơ xác, cuộc sống của người dân gặp vô vàn khó khăn và thiếu thốn nhưng nay đã không ngừng đổi thay, vững vàn vươn lên phát triển trong hành trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Những địa danh như: Cheo Reo – Phú Bổn, cầu sông Bờ, cầu cây Sung, đèo Tô Na, Phú Túc… đã in đậm trong lịch sử với những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra tháng 3/1975… Đường 7 năm xưa, nay là Quốc lộ 25 tiếp tục làm tròn trọng trách là một trong những tuyến giao thông huyết mạch, chiến lược nối Tây Nguyên với Duyên hải miền Trung. Không chỉ Quốc lộ 25 được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố mà nhiều dự án, công trình về kết cấu hạ tầng có quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, lưu thông hàng hoá, kết nối giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, mở ra cơ hội phát triển cho các địa phương và nhân dân trong vùng đã được đầu tư xây dựng bài bản.  Không còn phải chịu cảnh khó khăn, thiếu thốn như trước đây nữa, cuộc sống của các tầng lớp nhân dân dọc Đường 7 huyền thoại giờ đã đổi thay căn bản và khởi sắc.

Ông Nay Ka – Buôn Phu Ma Nher 2, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa phấn khởi nói: “Buôn làng giờ đã phát triển rất nhiều, không còn khó khăn như trước nữa. Đặc biệt, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới thì nhiều công trình được đầu tư xây dựng, đời sống của bà con đã cải thiện đáng kể.”

Ông Vũ Văn Đồng – Tổ dân phố 9, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện bày tỏ: “Thị trấn Phú Thiện trước đây đường sá lầy lội, giao thông rất khó khăn… Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của nhân dân, các con đường được xây dựng, mở rộng. Thị trấn ngày càng khang trang, cuộc sống của bà con có nhiều khởi sắc…”

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước từ các dự án, chương trình đã được triển khai cùng với sự nỗ lực phấn đấu, vượt khó, không ngừng vươn lên của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương trong kiến thiết, xây dựng quê hương đã tạo nên diện mạo mới, sức bật mới tại khu vực Đông Nam của tỉnh Gia Lai. Đặc biệt, thị xã Ayun Pa đã đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng đô thị xứng tầm là vùng động lực phía Đông Nam của tỉnh.

Ông Trần Quốc Khánh – Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa trao đổi: “Thị xã Ayun Pa được tỉnh xác định là vùng động lực phía Đông Nam của tỉnh. Với vị thế đó thì chúng tôi rất trăn trở và tập trung tìm các biện pháp, giải pháp, cố gắng phấn đấu đưa thị xã phát triển theo hướng đô thị văn minh. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Ayun Pa lần thứ XIX đã xác định và đã có nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo đó là tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ để thị xã Ayun Pa đạt các tiêu chí đô thị loại 3 vào năm 2030.”

Những vết thương chiến tranh từng bước được hàn gắn, dọc Đường 7 huyền thoại năm xưa là những cánh đồng rộng lớn với những mùa bội thu, những công trình kiên cố, những dãy nhà khang trang … Với truyền thống cách mạng vẻ vang và những thành quả đáng tự hào, cán bộ và nhân dân các địa phương đang tiếp tục ra sức thi đua, khai thác tốt các tiềm năng và thế mạnh để xây dựng khu vực phía Đông Nam của tỉnh ngày càng phát triển./.

Hà Đức – R’Piên


Lượt xem: 1

Trả lời