Sức lan tỏa của cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Cập nhật 22/11/2016, 14:11:33

 Nhiều năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UB MTTQ VN) huyện Kbang đã triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ đó, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

22-11-suclantoa

Kbang là một huyện thuần nông với tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 50%, tỷ lệ hộ nghèo trên 25%, theo chuẩn nghèo mới. Để góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận TQVN huyện KBang đã tích cực thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua rà soát, UBMTTQ huyện chọn 22 hộ nghèo làm điểm của Cuộc vận động rồi nhân rộng.

Bà Hoàng Thị Nga, Chủ tịch UBMT xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết: “Mặt trận xã xây dựng kế hoạch triển khai xuống các Ban công tác Mặt trận, đồng thời thực hiện 2 mô hình, sau đó làm việc với Bí thư Chi bộ sau đó triển khai làm điểm tại làng Lợt và làng Krối, Mặt trận cử các đồng chí trong Thường trực xuống làng làm việc với Bí thư chi bộ tổ chức họp và thống nhất lấy ý kiế và sau đó lấy Bí thư chi bộ làm trước, sau đó đến các ban ngành đoàn thể trong làng  đến các đồng chí đảng viên, nhân dân. Như vậy Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ cách làm chọn làng Lợt và làng Krối làm điểm, đến nay 2 làng tổ chức rất thành công”.

Gia đình ông Đinh Trưch (ở làng Kuk, xã Tơ Tung, huyện Kbang) là một trong những hộ có nhiều chuyển biến tích cực sau khi được tiếp sức từ Cuộc vận động. Nhờ được hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ hoàn cảnh khó khăn, đến nay gia đình ông Trưch có hơn 6 héc ta trồng mía, bắp, lúa nước và đậu các loại. Hàng năm, trừ  chi phí, gia đình ông còn lãi trên 50 triệu đồng. Không chỉ riêng gia đình ông Trưch, 22 gia đình được chọn làm điểm cũng như nhiều hộ khác cũng đã biết thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết tiếp thu, học hỏi cái mới, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho sản xuất…

Ông Đinh Trưch nói:    Từ xưa giờ gia đình tôi chỉ biết trồng bắp, lúa rẫy, mấy năm gần đây thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”huyện, xã tuyên truyền, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng mía, bắp lai, đậu cô ve, lúa nước để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó gia đình tôi đã thoát nghèo, có của ăn của để. Bản thân tôi còn tuyên truyền cho dân làng thay đổi nếp nghĩ cách làm  để xóa đói giảm nghèo.

Để Cuộc vận động tiếp tục đi vào chiều sâu, UBMT các cấp ở huyện Kbang xác định cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể xây dựng kế hoạch thực hiện với nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp với từng cơ sở.

Nói về nội dung này bà Đinh Thị Nghen, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN huyện Kbang cho biết: “Mặt trận tiếp tục đôn đốc tập trung tuyên truyền về mục đích ý nghĩa tác dụng của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” gắn với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên xây dựng các mô hình liên quan đến công tác giảm nghèo và liên kết nhóm gia đình, nhóm chung sở thích; tham mưu đề xuất nguồn lực, nguồn vốn để thực hiện tốt cuộc vận động đề ra. Đồng thời hàng năm, tổ chức sơ kết, đánh giá đối với các xã, các hộ được chọn làm điểm để nhân ra diện rộng, để góp phần thành công tác tiêu chí về xây dựng nông thôn  mới”.

Với những kết quả đã đạt được, nhất là sức lan tỏa rộng rãi của Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, tin rằng, trong thời gian tới, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kbang sẽ tiếp tục chuyển biến về nhận thức, có nhiều cách làm hay, sáng tạo để không ngừng cải thiện, nâng cao cuộc sống vật chất tinh thần, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội chung của địa phương./.

Thúy Điểm

                            


Lượt xem: 339

Trả lời