Sức bật từ những Dự án khoa học – công nghệ

Cập nhật 30/12/2023, 07:12:47

Từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương, đặc biệt là nguồn vốn Khoa học – Công nghệ, tỉnh Gia Lai đã thực hiện nhiều mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình, dự án được thực hiện đã góp phần chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất và tăng thu nhập cho người dân. Hiệu quả của các dự án, mô hình đã trở thành đòn bẩy để tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới.

Heo đen là loại vật nuôi đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số với chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Dự án Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình phát triển giống heo đen vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ triển khai trên địa bàn 03 xã gồm: Yang Bắc, An Thành và Ya Hội, với 18 hộ tham gia, tổng kinh phí gần 450 triệu đồng. Hiện nay, đàn heo đã phát triển ổn định, bắt đầu sinh sản và nhân đàn. Việc phát triển đàn heo đen thành thương phẩm đã nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập cho người nuôi, hướng đến mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP.

Anh Đinh D’Rung – Làng Kuk Đak, xã An Thành, huyện Đak Pơ nói: “Trước đây Trung tâm hỗ trợ giống heo đen của người đồng bảo dân tộc thiểu số hồi xưa, mình nuôi để phát triển đàn heo ở làng, thứ 2 khi được Trung tâm hỗ trợ 5 con, 1 heo đực, 4 heo nái. Qua quá trình mình nuôi thì nó đẻ được 2 lứa, hiện tại tổng đàn heo được 17 con, bữa cũng bán được 2 con.”

Các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học được triển khai trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp và được người nông dân quan tâm. Nhờ hiệu quả kinh tế của các mô hình, dự án nên đã từng bước giúp nhiều người dân thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, về cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Tham gia các mô hình, dự án, người dân được hỗ trợ chủ yếu về giống, vật tư, chi phí tập huấn; được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật.

Ông Nguyễn Đức Thừa – Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Ia Grai cho biết: “Ia Grai hằng năm đều có dự án khoa học, công nghệ. Hằng năm UBND huyện cũng đầu tư  từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ cũng tầm 400 đến 500 triệu, mỗi năm thực hiện 1 dự án khoa học, công nghệ. Năm nay, huyện cũng thấy với điều kiện, khí hậu trên địa bàn huyện phù hợp với trồng dưa lưới, nhưng lâu nay người dân trên địa bàn trồng nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn. Năm 2023, được sự chỉ đạo của UBND huyện, phòng phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ  làm dự án với 1.000 m2 với 2.500 cây dưa lưới.”

Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai đang theo dõi, quản lý 01 nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia thuộc Chương trình Quỹ gen và 01 nhiệm vụ cấp thiết địa phương, với tổng kinh phí hơn 14,3 tỷ đồng. Đồng thời theo dõi, quản lý thực hiện 34 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; nhiệm vụ Khoa học – Công nghệ cấp tỉnh và hỗ trợ các địa phương thực hiện dự án đăng kí nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm chủ lực thuộc Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ. Trong năm 2023, Sở triển khai hỗ trợ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận “Heo Broong Đức Cơ – Gia Lai”; “Mắc ca Kbang-Gia Lai”…. Qua đó đã gắn kết hoạt động sản xuất với liên kết tiêu thụ nhằm nâng cao chuỗi giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường.

Ông Nguyễn Quốc Tư – Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đức Cơ thông tin: “Theo tiếng gọi của người Jrai, broong có nghĩa là trên cơ thể con lợn này có những sọc vàng, sọc nâu. Có những thôn làng khác người ta gọi là lợn sóc vì hình thù giống con sóc. Trong thời gian tới, nếu như được cấp nhãn hiệu này chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình nhân rộng nó ra và theo hướng chăn nuôi an toàn, hiện nay chúng tôi đang thực hiện theo hướng VietGap và sản phẩm của nó sẽ hỗ trợ phát triển kinh tế trong người đồng bào DTTS, giúp họ thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn.”

Các mô hình, dự án Khoa học – Công nghệ được triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Thúy Diện – Minh Trung


Lượt xem: 10

Trả lời