Sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý ứng phó với biến đổi khí hậu

Cập nhật 22/3/2024, 10:03:47

Nước là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Với Gia Lai là một tỉnh thuần nông nên nguồn nước đóng vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Tuy nhiên, những năm gần đây do biến đổi khí hậu gây ra hạn hán đã ảnh hưởng không nhỏ và gây thiệt hại lớn về hoa màu. Việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý là yêu cầu cần thiết hiện nay nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nắng nóng kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay khiến mực nước ở các sông suối, ao, hồ xuống thấp đã ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh. Mới đây, hơn 260 ha lúa nước Đông Xuân của bà con ở huyện Phú Thiện đã bị khô cháy trên đồng do thiếu nước và đành phải cắt bỏ làm thức ăn cho gia súc; gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Ông Vũ Văn Khiển – Thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện nói: “Diện tích gieo trồng của gia đình tôi là 12 ha, thực tế bây giờ thiệt hại lúa cháy vào khoảng 6 ha rồi, mất trắng. Đối với 1 ha cây lúa nước, tôi đầu tư từ 35 – 40 triệu đồng, nếu như mà được thu như diện tích của tôi đây được khoảng 80 triệu đồng/1 ha nhưng bây giờ thì mất trắng, cho nên là mất cả vốn lẫn lời. Nói chung là không còn gì cả.”

Tỉnh Gia Lai có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất cả nước với 837.000ha; trong đó có khoảng 70% diện tích đang được người dân canh tác hàng năm. Do đó, nhu cầu sử dụng nước tưới là rất lớn; nhất là thời điểm hiện nay bà con đang tập trung chăm sóc các loại cây trồng chủ lực ở địa phương, như: cà phê, hồ tiêu, lúa nước… Trong khi đó các công trình thủy lợi, ao, hồ, đập mới chỉ cung ứng được nguồn nước cho một phần nhỏ diện tích, còn lại là chủ yếu phụ thuộc vào nước trời. Chính vì thế mà việc sử dụng nguồn nước tưới phải tiết kiệm, hợp lý nhằm đảm bảo cho các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển.

Ông Rơ Châm Crup – Làng O, xã Ia Phí, huyện Chư Păh nói: “Năm ngoái thiếu nước bị hán hán và năm nay cũng bị hạn; cũng như nhà có đào cái hồ nên có nước tưới cho cà phê chứ tưới mương không là không đủ. Nếu tới tháng 4 mà không có mưa thì chắc cũng bị thiếu nước.”

Ông Nguyễn Công Sơn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Păh trao đổi: “Phòng đã chỉ đạo cho Trung tâm DVNN và các địa phương điều tiết nước cho bà con và chia thời gian để tưới; đối với cây cà phê thì chia thành từng vùng thì cũng đảm bảo nguồn nước để tưới cho cây lúa. Tuy nhiên đối với một số cánh đồng có khả năng bị khô hạn thì vận động bà con nạo vét ao hồ để có nguồn nước tưới cho cây lúa.”

Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng đã khuyến cáo về tình trạng hạn hán sẽ có thể diễn ra trên diện rộng nên yêu cầu đặt ra đối với ngành Nông nghiệp của tỉnh là cần khuyến cáo, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý.

Đồng chí Đặng Quốc Khánh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo: “Năm nay thì dự báo sẽ bị hạn hán và chúng ta đã thấy hạn hán, thiếu nước là rõ. Cho nên điều tiết nguồn nước như thế nào, giữ nguồn nước như thế nào thì đề nghị tỉnh chỉ đạo cho Sở NN&PTNT tham mưu để giữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trên cơ sở Luật Tài nguyên nước và đã có lưu vực nên cần quan tâm vấn đề này.”

Có thể thấy biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sản xuất của người dân, đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn cầu để ứng phó và hạn chế những tác động, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Với Gia Lai là một tỉnh thuần nông nên việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng để ứng phó hiệu quả với tình trạng hạn hán nhằm nâng cao năng suất, giá trị của các loại cây trồng.

Đức Hải – R’Piên – Phi Long


Lượt xem: 13

Trả lời