Sôi động ngày hội trình diễn cồng chiêng

Cập nhật 03/12/2018, 08:12:12

Trong khuôn khổ Lễ hội Văn hóa cồng chiêng, tại Quảng Trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, 25 đoàn nghệ nhân tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã có những màn trình diễn cồng chiêng khá ấn tượng, thể hiện sự đa dạng trong sắc màu văn hóa . Từ đây, những nét đẹp truyền thống có dịp hội tụ và thăng hoa, còn du khách có cơ hội được hòa mình vào ngày hội rực rỡ sắc màu các văn hóa dân tộc Tây Nguyên.

Trong ngày hội lớn của đồng bào Tây Nguyên, những bản hòa tấu cồng chiêng đã cùng vang lên, những chủ nhân của di sản không gian văn hóa cồng chiêng tự do thể hiện bản sắc, vẻ đẹp từ các buôn làng, từ những con người mộc mạc, chất phác của vùng đất Tây Nguyên. Mỗi dân tộc, mỗi đoàn nghệ nhân đều mang đến lễ hội bản sắc riêng tạo nên sự lan tỏa sắc màu Tây Nguyên với những trang phục truyền thống đẹp mắt, tái hiện 1 cách sinh động nét đẹp của các bài chiêng, điệu múa truyền thống, trình diễn những sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

 Em Touneh Ma Tina – Đoàn Lâm Đồng cho biết: “Đồng bào Chu Ru đặc biệt so với các dân tộc khác là có bộ chiêng 3. Chiêng 3 không phải từng người đánh mà chỉ có 1 người đánh. Trong đoàn của tụi em đa số các thanh niên nam nữ đều biết đánh trống, đánh chiêng hết. Khi đến đây được giới thiệu bản sắc riêng của mình đến với các du khách tụi em rất tự hào và cố gắng giới thiệu hết những nét đặc sắc nhất của dân tộc mình”.

Nghệ nhân Rơ Mah Khơn – Đoàn Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho biết: “Hôm nay mình rất vui khi được tham gia biểu diễn cồng chiêng tại Festival. Đoàn của mình biểu diễn bài Mừng lúa mới của đồng bào Jrai, rất tự hào khi được giới thiệu về nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Jrai mình”.

Với sự khác biệt cũng như sự đa dạng trong sắc màu văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, phần trình diễn cồng chiêng không tổ chức thi mà để nghệ nhân, các đoàn tự do sáng tạo, thể hiện sự tài hoa trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Với người Tây Nguyên, cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá. Từ việc chỉnh chiêng đến cách trình diễn, những người dẫu không qua trường lớp đào tạo vẫn thể hiện được những cách chơi điêu luyện tuyệt vời. Cùng hòa mình vào không khí của ngày hội với những màn trình diễn độc đáo đã mang đến cho du khách nhiều điều thú vị để có thể hiểu và cảm nhận trọn vẹn về văn hóa của vùng đất Tây Nguyên.

Bà Bùi Thanh Hội – Du khách Hà Nội chia sẻ: “May là dịp đi du lịch vào đây được gặp lễ hội cồng chiêng. Bản sắc dân tộc rất hay và tôi được chứng kiến xem được nhiều lễ hội rồi nhưng mà lần đầu tiên được hòa mình vào không khí rất vui của lễ hội cồng chiêng tôi thấy rất thú vị và mong thường xuyên giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc của mình rất là hay”.

Tham gia lễ hội có nhiều đội chiêng, nhiều nghệ nhân ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là màn trình diễn một cách tự tin và đầy ngẫu hứng của các đội cồng chiêng nhí. Điều đó cho thấy sự  kế thừa, tiếp nối di sản từ các thế hệ ông cha trao truyền lại. Tiếng cồng chiêng đã kết nối mọi người xích lại gần nhau, cùng trao truyền và lưu giữ những giá trị văn hóa độc đáo, tôn vinh di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên./.

Kim Châu, Thanh Sáng


Lượt xem: 37

Trả lời