Số người chết do tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng cao trong 2 tháng đầu năm 2021

Cập nhật 07/3/2021, 15:03:39

2 tháng đầu năm 2021, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt tăng cao số người chết do tai nạn giao thông. Điều đáng quan ngại là chiếm phần lớn trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra đều liên quan đến thanh thiếu niên đồng bào dân tộc thiểu số. Để kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới, tỉnh Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp hết sức căn cơ và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

2 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 56 vụ tai nạn giao thông, làm 46 người chết, 37 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2020, tỉnh Gia Lai tăng đến 7 người chết do tai nạn giao thông. Điều đáng nói, trong số các vụ tai nạn giao thông xảy ra có nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Tại Hội nghị sơ kết công tác tháng 2, triển khai nhiệm vụ tháng 3.2021 vừa được UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua tại một số ngành, một số chính quyền địa phương. Đồng thời đề nghị cả hệ thống chính trị cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hơn nữa nhằm kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới trên địa bàn tỉnh.

 Đồng chí Võ Ngọc Thành nhấn mạnh: “Tôi đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí PGĐ Phụ trách ngành Giao thông vận tải đánh giá lại, có kế hoạch cụ thể để chúng ta triển khai thời gian tới. Như các đồng chí đã biết thì rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì lại xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong dịp Tết, đặc biệt là trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19. Trong khi cả nước đang giảm sâu cả 3 tiêu chí thì chúng ta tăng gần như cả 3 tiêu chí, chỉ có tiêu chí bị thương là giảm chút xíu thôi. Đó là một nghịch lý”.

2 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 7 địa phương ghi nhận tăng cao số người chết do tai nạn giao thông so với cùng kỳ năm 2020 gồm: Huyện Phú Thiện, Đak Đoa, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Pưh, Đak Pơ và thành phố Pleiku. Để thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian tới, hiện nay, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng đã vào cuộc hết sức quyết liệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền xuống tận cơ sở, đồng thời tiến hành rà soát, chấn chỉnh tình trạng thanh thiếu niên thường xuyên càn quấy, gây rối trật tự an toàn giao thông để có biện pháp giáo dục răn đe cá biệt.

Ông Rơ Ô Beo – PCT UBND xã Ia H’rú, Chư Pưh, Gia Lai nói: “Để mà ngăn ngừa tình trạng thanh thiếu niên chạy xe phóng nhanh vượt ẩu, giảm thiểu tai nạn giao thông thì UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an nắm địa bàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động thanh niên hạn chế tụ tập uống rượu. Đồng thời nắm chắc các thanh thiếu niên thường xuyên càn quấy, chạy xe phóng nhanh vượt ẩu và đến tận nhà tuyên truyền, vận động, nhắc nhở những người này”.

Thượng tá Phạm Hồng Sơn – Phó Trưởng Công an huyện Chư Pưh, Gia Lai cũng cho biết: “Huyện xác định phải làm tốt công tác tuyên truyền, huy động toàn hệ thống chính trị vào việc này, vai trò của lực lượng đoàn viên thanh niên phải là nòng cốt. Đồng thời hệ thống chính trị các thôn, làng và lực lượng công an đã lên danh sách toàn bộ các cháu thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật an toàn giao thông thời gian qua để tổ chức giáo dục cá biệt. Trên cơ sở đó phân loại ra và giao trách nhiệm cho gia đình, các đoàn thể tổ chức giám sát việc thực hiện của các cháu. Đồng thời tổ chức răn đe cá biệt đối với các cháu chưa tiến bộ, tiếp tục có các hành vi vi phạm”.

Cùng với đó, các ngành, chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát, tăng cường tuần tra kiểm soát tại các tuyến, địa bàn trọng điểm; từ đó kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.

Ông Lê Văn Hạnh – Phó Giám đốc Phụ trách Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Gia Lai nêu: “Chính quyền các địa phương, đặc biệt là công an các địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, không những trên các tuyến đường quốc lộ, kể cả các tuyến đường giao thông nông thôn, bởi nơi đó thường xuất phát các điểm tụ tập, điểm ăn nhậu trước khi tham gia giao thông. Việc xử lý đối với các vụ tai nạn giao thông nếu có các yếu tố đặc biệt nghiêm trọng, cấu thành tội phạm thì cũng nên xử lý để có tính điển hình, răn đe để người khác noi theo”.

Để kiềm chế, kéo giảm cả 3 chỉ số về tai nạn giao thông thời gian tới, yếu tố quan trọng đó là mỗi người tham gia giao thông cần chủ động nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, từ đó từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại./.

Đoàn Bình – Thanh Sáng – Viễn Khánh

 


Lượt xem: 28

Trả lời