Sở Khoa học và Công nghệ xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê

Cập nhật 29/8/2021, 10:08:26

Tỉnh Gia Lai với lợi thế là vùng đất đỏ bazan, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên đã tạo điều kiện cho cây cà phê sinh trưởng tốt, từ đó tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hàm lượng cafein cao với hương vị khác biệt nhiều so với nhiều vùng đất khác. Chính vì vậy, Gia Lai đã quan tâm đầu tư cho loại cây trồng này, đưa cây cà phê trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế xếp thứ hai toàn tỉnh. Để tiếp tục nâng cao giá trị cho sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ cùng với các ban, ngành chức năng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cà phê gắn với chỉ dẫn địa lý (CDDL) nhằm bảo vệ danh tiếng cà phê, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nhiệm vụ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê của tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý với thời gian thực hiện 20 tháng, từ tháng 06/2021 đến tháng 02/2023 và kinh phí thực hiện hơn 1,4 tỷ đồng.  Nhiệm vụ tập trung thực hiện 05 nội dung gồm: Điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng nhằm xác định căn cứ thực tiễn và khoa học; xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc đăng ký bảo hộ CDĐL; xây dựng hồ sơ và tiến hành đăng ký CDĐL; xây dựng hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý và phát triển sản phẩm cà phê Gia Lai; tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm hoàn thiện nhiệm vụ,… Hiện nay, Sở đang đẩy nhanh thực hiện các bước theo đúng kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thông tin: “Chúng tôi chuẩn bị tất cả các nội dung để đủ điều kiện và khảo sát từ thực tiễn. Vì thực tiễn chính là cái chúng ta xây dựng sản phẩm sẽ phát triển bền vững, phát triển trong tương lai. Nếu mình xây dựng được với tinh thần pháp luật, theo Nghị định, quy định, trong Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sẽ nâng lên giá trị rất nhiều lần cho các tổ chức xây dựng nhãn hiệu.”

Trong qúa trình thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Gia Lai” cho sản phẩm cà phê của tỉnh, Sở đang gặp một số khó khăn như: Việc sản xuất, chăm sóc, thu hoạch chưa đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định;  các cơ sở sơ chế, chế biến có quy mô nhỏ lẻ nên sản lượng cà phê sau thu hoạch được đưa vào chế biến dưới dạng cà phê nhân, sau đó xuất khẩu hoặc bán cho các công ty sản xuất, xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Vì vậy, để khắc phục khó khăn và thúc đẩy ngành hàng cà phê phát triển, tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm xuất khẩu; đồng thời, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các mô hình liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng.

Anh Nguyễn Tiến Thành – Thôn Tiến Hưng, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông cho biết: “Để đảm bảo về mặt số lượng cũng như chất lượng thì bản thân tôi đã liên kết với lại một số hộ gia đình xung quanh, bao tiêu cà phê hái chín cộng giá cao hơn so với thị trường. Thứ 2 là chuyển giao những kinh nghiệm mà bản thân đã làm trong 3 năm qua cho bà con”.

Việc bảo hộ CDĐL cho cà phê sẽ góp phần làm tăng giá bán, giữ gìn uy tín và danh tiếng tạo ra nền tảng pháp lý thuận lợi cho các sản phẩm địa phương khi thâm nhập vào thị trường quốc tế. Hy vọng rằng, trong thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai sẽ khắc phục những khó khăn để bảo hộ thành công CDĐL trong thời gian sớm nhất, qua đó, làm tăng lợi nhuận, thu nhập cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 7

Trả lời