Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Cập nhật 23/7/2021, 07:07:27

Những năm gần đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã thực hiện một số phần việc để hỗ trợ các chủ thể thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở hỗ trợ, hướng dẫn về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch, nhãn hàng hoá, tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Qua đó, giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa của sản phẩm OCOP của tỉnh trên thị trường.

Với kinh nghiệm sản xuất cà phê của gia đình, anh Nguyễn Tiến Thành, thôn Tiến Hưng, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông đã mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế. Từ việc trồng trọt, liên kết thu mua, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xử lý, sơ chế cà phê nhân chất lượng cao nhằm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở rang xay trong và ngoài tỉnh. Phát huy những kết quả sẵn có, anh đang hướng đến xây dựng thương hiệu,tiêu chuẩn cơ sở, nhãn hàng hoá cho sản phẩm cà phê rang xay Chư Pông, đồng thời hướng đến phát triển sản phẩm OCOP của địa phương góp phần nâng cao giá trị cà phê.

Anh Thành chia sẻ: “Đối với việc tiến hành xây dựng hiệu cà phê bột rang xay thì nguyên liệu đầu vào chiếm yếu tố quyết định về việc đảm bảo chất lượng cà phê sau rang. Kế hoạch sắp tới là sẽ tiến hành các thủ tục đầy đủ để dự thi sản phẩm OCOP của địa phương . Để đảm bảo về mặt số lượng cũng như là chất lượng thì bản thân tôi đã liên kết với một số gia đình xung quanh bao tiêu cà phê hái chín cộng giá cao hơn so với thị trường.”

Còn đối với anh Nguyễn Huy Thuận, xã Ia Pia, huyện Chư Prông đang đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình từ mô hình nuôi nai, hươu lấy nhung và bán giống cho người dân địa phương. Từ hiệu quả của mô hình và mong muốn phát triển lâu dài cho sản phẩm nhung hươu, nai, anh đang hoàn thiện các tiêu chí để xây dựng sản phẩm “Nhung hươu ngâm mật ong” thành sản phẩm OCOP. Đặc biệt, Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, hướng dẫn về bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ, mã số mã vạch, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm với thương hiệu “Hươu, nai Huy Thuận”.

Anh Thuận nói: “Tôi cũng đang hướng đến thương hiệu nhung, nai hươu Huy Thuận là sản phẩm nhung hươi ngâm mật ong  thì cũng có đi dự hội chợ trong tỉnh và ngoài tỉnh, tham gia ở hội chợ như Hội chợ Nông nghiệp, Hội Chợ OCOP của tỉnh Gia Lai, Hội chợ Việt Nam chất lượng cao. Tôi rất quan tâm, bán cho bà con nông dân, đầu ra tôi nghĩ, người ta nuôi nhiều không biết đầu ra, ra sao nên nghĩ đến chế biến nhung hươu, mình bao tiêu sản phẩm cho bà con để thu mua lại nhiên liệu rồi mình làm nhung hươu ngâm mật ong”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác hỗ trợ các sản phẩm và các chủ thể tham gia chương trình OCOP, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện hướng dẫn về bảo hộ quyền sỡ hữu trí tuệ, mã số mã vạch, nhãn hàng hoá và đảm bảo các tiêu chuẩn cơ sở. Trong đó: Sở hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng và hỗ trợ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) cho các tổ chức đăng ký hoạt động KH&CN, doanh nghiệp KH&CN phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Để đáp ứng được nhiệm vụ, Sở đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như: Thành lập và đưa vào hoạt động “Điểm tư vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu” nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong công tác xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu. Cùng với đó, các đơn vị sự nghiệp của Sở KH&CN triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ như: Kiểm định, kiểm nghiệm mẫu đất, nước, phân bón, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận tiêu chuẩn, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, nâng cao năng suất chất lượng, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ về  nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tưới tiết kiệm, tưới nhỏ giọt, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất nấm,…Từ năm 2020 đến nay, Sở đã tư vấn và hướng dẫn cho gần 500 tổ chức, cá nhân về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là 100% sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã được hướng dẫn xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu.

Ông Nguyễn Ngọc Cường – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết:  “Các tuyến ở dưới huyện, thị xã, thành phố đã làm chương trình OCOP, đến nay ta có nhiều OCOP được 80% sản phẩm OCOP được công nhận có sao. Điều đó khẳng định rằng các sản phẩm OCOP của chúng ta có thể tham gia thị trường, sẽ góp phần làm cho người dân ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn và đúng quy trình hơn và có khả năng về thương mại được sản phẩm của mình.”

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành nói chung và Sở Khoa học và Công nghệ nói riêng đã mang lại những kết quả tích cực góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP của tỉnh. Với những kết quả đã đạt được, đơn vị đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình, dự án để góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của doanh nghiệp và các sản phẩm thế mạnh, chủ lực địa phương.

Thúy Diện, Duy Linh


Lượt xem: 55

Trả lời