Sâu nặng nghĩa tình từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”

Cập nhật 09/11/2023, 16:11:00

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Hội LHPN tỉnh Gia Lai, Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng 2 địa phương triển khai thực hiện tại 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2021-2025. Từ năm 2021 đến nay, chương trình đã huy động nhiều nguồn lực, triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm hỗ trợ, chăm lo đời sống cho hội viên, phụ nữ, trẻ em, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 7 xã biên giới của tỉnh. Không chỉ giúp người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện chất lượng sống, tích cực tham gia giữ bình yên cho vùng biên cương Tổ quốc, chương trình còn thể hiện nghĩa tình sâu nặng giữa hậu phương với người dân vùng biên giới.

Là 1 trong những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở làng Pó, xã Ia Chía, huyện Ia Grai, vào trung tuần tháng 8/2023, gia đình chị Rơ Mah Hyil được Hội LHPN TP. HCM và Hội Nữ Doanh nhân TP. HCM tặng 3 con heo để nuôi. Phương tiện sinh kế thiết thực, ý nghĩa không chỉ đem đến nhiều niềm vui, hy vọng tốt đẹp cho gia đình chị mà còn làm ấm lòng cả người tặng.

Chị Rơ Mah Hyil – Xã Ia Chía, huyện Ia Grai bày tỏ: “Cảm ơn các chị bên Hội LHPN tỉnh và Hội LHPN TP. HCM đã  hỗ trợ gia đình mình 3 con heo để nuôi. Mình cảm thấy vui lắm và cố gắng nuôi heo nhanh lớn để bán kiếm thêm thu nhập.”

Chị Cao Thị Ngọc Hồng – Hội Nữ Doanh nhân TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cũng có lòng giúp cho các chị có kế sinh nhai, khi mà chị tặng và lên thấy 3 con heo này chị rất là vui. Sau này lên thấy một bầy heo luôn, mong gia đình cố gắng nuôi.

Với ý nghĩa nhân văn cao đẹp, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” ngày càng lan tỏa và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức, mạnh thường quân, đặc biệt là sự đồng hành tích cực của Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM. Từ năm 2021 đến nay, chương trình đã huy động các nguồn lực với tổng trị giá trên 5,3 tỷ đồng để triển khai các hoạt động chăm lo đời sống thiết thân cho hội viên, phụ nữ, trẻ em và người dân có hoàn cảnh khó khăn tại 7 xã biên giới thuộc 3 huyện: Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông. Từ nguồn lực này, chương trình đã trao tặng phương tiện sinh kế, mái ấm tình thương, bồn nước sạch cho phụ nữ, tặng học bổng, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí… Qua đó đã giúp đỡ trên 320 hộ hội viên, phụ nữ nghèo, cận nghèo ở các xã biên giới, trong đó có 65 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo thêm động lực để người dân tích cực tham gia cùng với lực lượng biên phòng giữ bình yên nơi vùng phên dậu của Tổ quốc.

Chị Ksor Then – Xã Ia Chía, huyện Ia Grai bày tỏ: “Cảm ơn các chị đã tặng bồn nước, gia đình có bồn nước để sinh hoạt hàng ngày.”

Bà Nguyễn Thị Lành – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ia Grai cho biết: “Chương trình đã hỗ trợ sinh kế để chị em phụ nữ có động lực để vươn lên, đồng hành với Nhân dân ở các xã biên giới vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ sự hỗ trợ này chị em phụ nữ sẽ tuyên truyền với bà con Nhân dân ở 2 xã biên giới của huyện Ia Grai để Nhân dân cùng với 2 Đồn Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.”

Đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn biên giới, hải đảo là những người cùng với lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Trách nhiệm lớn nhưng đời sống của người dân, đặc biệt là phụ nữ còn nhiều khó khăn và cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là nghĩa tình sâu nặng của TP. Hồ Chí Minh hướng về người dân vùng biên cương của Tổ quốc với hy vọng giúp bà con ngày càng cải thiện chất lượng cuộc sống, sinh hoạt.

Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP. Hồ Chí Minh trao đổi: “Ngoài hỗ trợ sinh kế thì còn hỗ trợ khởi nghiệp, làm sao mong muốn rằng với hoạt động hỗ trợ, kỹ thuật của tỉnh, chúng tôi cũng tiếp tục đồng hành, chia sẻ những dự án để làm sao chính đồng bào DTTS hiểu được và sản xuất trên mảnh đất của mình có những sản phẩm địa phương để làm sao giúp cho việc nâng cao cải thiện cuộc sống tại nơi chính họ được sinh ra. Đây chính là dự án mà sắp tới chúng tôi nghiên cứu để cùng với Hội LHPN tỉnh, Hội Nữ Doanh nhân để làm sao hỗ trợ cho đồng bào DTTS, đặc biệt là chị em phụ nữ một cách tốt nhất.”

Với nghĩa tình sâu nặng, “Chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã và đang tiếp sức để phụ nữ DTTS và người dân có hoàn cảnh khó khăn ở 3 huyện biên giới của tỉnh Gia Lai có thêm động lực để vươn lên cải thiện sinh kế; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, sinh hoạt. Qua đó chung tay góp sức gìn giữ và xây dựng vùng biên giới của tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

Thiên Thanh – Ksor Tuối


Lượt xem: 10

Trả lời