Sáng tạo đồ dùng – đồ chơi từ nguyên liệu phế thải

Cập nhật 26/5/2016, 14:05:16

Từ những đồ dùng đã qua sử dụng  dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo, các nguyên liệu tưởng chừng như chỉ làm phế thải  đã được sử dụng làm đồ dùng dạy học. Mới đây  Sở GD – ĐT Gia Lai tổ chức Hội thi "Đồ dùng dạy học – Đồ chơi tự tạo"  với quy mô cấp tỉnh ở bậc học mầm non.

 

Bàn ghế…xe ngựa…bập bênh và rất nhiều vật dụng khác…

Chỉ riêng với nguyên liệu là lốp xe đã qua sử dụng, qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo không giới hạn của các cô giáo mầm non, hàng chục sản phẩm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo được ra đời. Tâm huyết với nghề và tình yêu với trẻ được thể hiện qua sự chăm chút trong từng sản phẩm mang tới Hội thi "Đồ dùng dạy học – Đồ chơi tự tạo" bậc học mầm non cấp tỉnh năm học 2015 – 2016 lần này.

Cô giáo Lê Bích Ngọc, Trường Mầm non Họa Mi thị xã An Khê, Gia Lai nói về cách làm những đồ dùng từ nguyên, vật liệu phế thải: “Để làm được các đồ chơi như thế này các cô cắt ván ép, dán keo có lúc phồng cả tay, bóc da nhưng rất vui vì tạo được cho trẻ những bộ đồ chơi hấp dẫn khiến trẻ hào hứng. Chỉ có thể là tình yêu với nghề và với trẻ mới giúp các cô làm được điều đó”.

Đây không phải là lần đầu tiên bậc học mầm non Gia Lai tổ chức hội thi "Đồ dùng dạy học – Đồ chơi tự tạo" nhưng qua mỗi lần tổ chức lại ghi nhận nhiều hơn những đồ dùng, đồ chơi độc đáo, ấn tượng và đặc biệt là hữu ích đối với môi trường mầm non. Không chỉ đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non mới mà còn mang đậm tính vùng miền, phù hợp với điều kiện của mọi đối tượng trẻ mẫu giáo từ vùng thuận lợi, đến cả vùng khó khăn.

Cô giáo Ngô Thị Sâm, Trường mẫu giáo Hoa Sữa, xã Iakly, huyện Chư Prông, Gia Lai cho biết: “Trường tôi là vùng khó, 98% là trẻ đồng bào DTTS. Mình chọn lúa, rơm rạ để làm đồ dùng cho các em nhằm tạo sự gần gũi, thân thuộc. Các em có thể cùng làm với cô luôn, cô trò thêm gắn bó”.

Quy định mới về bộ đồ dùng – đồ chơi ngoài trời trong hội thi lần này nhằm tăng cường kỹ năng vận động cho trẻ càng chứng minh sự sáng tạo của giáo viên mầm non với rất nhiều bộ sản phẩm độc đáo và có giá trị thuơng phẩm. Qua hội thi không phải xác định ai thắng, ai thua mà ý nghĩa lớn hơn đó là sự chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong phong trào sáng tạo đồ dùng – đồ chơi nói riêng và hoạt động chuyên môn nói chung. Càng ngắm nhìn 85 bộ sản phẩm ấn tượng lại càng vững tin hơn về những kết quả mà Ngành giáo dục – đào tạo Gia Lai  sẽ đạt được trong mục tiêu nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ./.

Hòa Giang- Xuân Huy


Lượt xem: 995

Trả lời