Sản xuất hữu cơ: Hướng phát triển cho nền nông nghiệp bền vững

Cập nhật 25/12/2018, 08:12:46

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. Với hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ đã mang lại những sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người dùng đang được nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai quan tâm thực hiện. Đây cũng là nền tảng để phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Trước tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu xuất hiện ngày càng nhiều thì mô hình trồng tiêu hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Tiến Công, Thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa đang cho thấy đây là hướng sản xuất hiệu quả, bền vững. Theo cách làm này, anh đang hướng tới thực hành nông nghiệp tái tạo, không dùng phân vô cơ, hóa chất mà sử dụng phân xanh từ thực vật. Đồng thời không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà phát triển những loài cây thu hút thiên địch có lợi để tiêu diệt bớt sâu bệnh trên cây trồng. Nhờ vậy, hiện nay với 5 ha tiêu của gia đình đang phát triển ổn định. Đồng thời, sản phẩm hồ tiêu cũng được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.

Anh Nguyễn Tiến Công, Thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết: “Làm sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là cây tiêu. Hiện tại giá của thị trường là tương đương giá cao 1,5 lần hoặc 2 lần tùy vào thời điểm, đó là về giá trị nông sản cao hơn. Thứ 2 làm theo hướng hữu cơ thì cây trồng sẽ ổn định hơn. Sâu dịch hại và bệnh chết nhanh, chết chậm ít diễn ra hơn.”

Không chỉ trên cây tiêu mà trên hiện nay người trồng cà phê cũng đang triển khai sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ. Cà phê phải được đảm bảo các tiêu chuẩn sạch từ khâu sản xuất đến chế biến. Trong quá trình trồng, chăm sóc phải tuân thủ các quy trình, khi thu hoạch thì cà phê đã đạt độ chín 85 – 90% và được phơi bằng bạt ni lông chống thấm,  lúc chế biến thì không sử dụng các loại phụ gia, hóa chất độc hại, chú trọng việc giữ lại hương vị tự nhiên, thuần chất của cà phê.

Anh Nguyễn Hữu Duy, Giám đốc Công ty TNHH MTV HD Gia Lai cho biết: “Xu hướng của bây giờ người ta đang chuộng những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Xu hướng cà phê hữu cơ đang rất thịnh hành và mình hướng đến mô hình hữu cơ đó. Mình sử dụng những loại phân bón vi sinh được chứng nhận, không dùng thuốc bảo vệ thực vật cho những vườn cà phê.”

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Gia Lai đã tạo điều kiện cho nhiều loại cây trồng sinh trưởng, phát triển tạo nên sự đa dạng, phong phú mặt hàng nông sản. Ngoài những cây trồng chủ lực của địa phương như cà phê, tiêu, rau màu thì hiện nay một số nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái theo hướng sản xuất hữu cơ. Chính vì vậy mà những sản phẩm xuất ra thị trường đã dần tạo được niềm tin với khách hàng. Cùng với đó, để tạo uy tín, nâng cao giá trị sản phẩm các chủ vườn cũng đang dần quan tâm đến việc bảo vệ  nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình.

Anh Đặng Đình Giáp, Tổ dân phố 5, thị trấn Đak Đoa,  huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng chia sẻ: “Mình đi theo xu hướng của xã hội, thứ nhất là sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và làm mô hình sạch, thấy rất nhiều khách hàng xuống tận vườn làm bằng cách hữu cơ. Mình làm sạch từ trái còn nhỏ, mọi người đều thấy an toàn, tiêu thụ được nhiều người dân ưa chuộng và xây dựng thương hiệu “Ổi lê Mười Giáp” đã đăng kí trên Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai”.

Từ những hiệu quả tích cực trong việc áp dụng sản xuất hữu cơ, các ngành chức năng đang tăng cường phối hợp tuyên truyền, định hướng để người dân dần thay đổi nhận thức góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ người sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai cho biết: “Hiện nay theo chúng tôi thì nhà nước sẽ hình thành mục đề án trong đó có mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Có thể là cơ quan chuyên ngành cấp tỉnh, UBND các huyện định hướng sản xuất và trên cơ sở đó người dân sẽ sản xuất trên tín hiệu của thị trường.”

Trong xu thế phát triển chung của thị trường hiện nay, người sản xuất đang dần nâng cao chất lượng sản phẩm do mình làm ra. Bởi những sản phẩm đảm bảo thì mới được người tiêu dùng đón nhận, có chỗ đứng trên thị trường. Vì vậy, người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang có những kế hoạch cụ thể để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thúy Diện, Duy Linh

 


Lượt xem: 101

Trả lời