Sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ ở huyện ChưSê.

Cập nhật 24/10/2013, 08:10:37

Ngày 24/12/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116 về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó những đối tượng trên được hưởng một số chính sách phụ cấp như: phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm, thanh toán tiền tàu xe cùng với một số trợ cấp khác. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/3/2011. Thế nhưng cho đến nay, nhiều cán bộ giáo viên, nhân viên công tác trong ngành giáo dục huyện ChưSê  nằm trong diện được hưởng các chế độ phụ cấp theo Nghị định này vẫn chưa được các ngành chức năng tiến hành chi trả. 

Bà Phan Thị Tuyết Mai-Trưởng phòng Giáo Dục-Đào tạo huyện Chư Sê. trả lời câu hỏi của phóng viên.

 

Toàn huyện ChưSê hiện có 16 trường ở 6 xã đặc biệt khó khăn và các điểm trường ở các thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng 2 với hàng trăm cán bộ giáo viên, nhân viên đang công tác trong điều kiện nhiều khó khăn và thiếu thốn. Nhưng cho đến nay đã hơn 2 năm kể từ khi Nghị định 116 của Chính phủ có hiệu lực thi hành mà họ vẫn chưa được hưởng đầy đủ các chế độ phụ cấp theo Nghị định này với tổng số tiền hàng tỷ đồng. Theo bà Phan Thị Tuyết Mai- Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện ChưSê thì khi làm các thủ tục triển khai thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ, phòng Tài chính- Kế hoạch huyện ChưSê bỏ sót mục hỗ trợ phụ cấp lâu năm và mục phụ cấp tiền tàu xe nên hằng trăm cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục địa phương cho đến nay vẫn chưa được nhận chế độ phụ cấp hai mục trên theo Nghị định 116 của Chính phủ. Bà Mai cũng cho biết, có nhiều giáo viên từng công tác ở huyện Chư Sê đòi kiện lãnh đạo phòng Giáo dục- đào tạo huyện vì cho đến nay vẫn chưa cấp đầy đủ chế độ phụ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ cho họ và bà đã “thách” họ kiện vì lỗi không phải do ngành giáo dục. Còn phần lớn giáo viên hiện đang công tác trong ngành giáo dục huyện dù hơn hai năm nay “dài cổ” chờ nhận tiền phụ cấp và quyền lợi của mình bị xâm phạm nhưng do tâm lý sợ cấp trên nên họ không dám bày tỏ bức xúc.

 

Phóng viên gặp gỡ trao đổi với các cán bộ, giáo viên huyện Chư Sê.

Qua trao đổi thầy Hồ Sỹ Hậu- Hiệu phó trường Tiểu học Kim Đồng- xã Barmaih-Chư Sê cho biết: “Tôi không biết trường mình có bao nhiêu cán bộ giáo viên được hưởng các chế độ phụ cấp theo Nghị định 116 của Chính phủ.. Cấp trên mới có ý kiến nên chúng tôi đang làm thủ tục để được hưởng chế độ phụ cấp theo Nghị định 116…”.

Cũng như nhiều trường hợp khác, sau một hồi gọi điện “xin ý kiến” cấp trên, cô giáo Đoàn Thị Hoàn-Hiệu trưởng trường Mẫu giáo 3/2, xã Barmail, huyện ChưSê từ chối chúng tôi phỏng vấn vì sợ cấp trên, mặc dù cho đến nay chưa có trường hợp nào ở trường này được nhận chế độ phụ cấp công tác lâu năm theo Nghị định 116 của Chính phủ.

Chúng tôi đến Ủy ban nhân dân huyện ChưSê và phòng Tài chính kế hoạch huyện ChưSê để tìm hiểu những ách tắc và sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 116 ở địa phương này nhưng đều nhận câu trả lời là “từ chối” và… “lãnh đạo đi vắng”.

Về một vấn đề khác cũng đã gây bức xúc và khó khăn đối với cán bộ, giáo viên ngành giáo dục huyện ChưSê đó là, theo các qui định hiện hành nguồn kinh phí phục vụ cho việc chi thường xuyên cho ngành giáo dục ở một địa phương trong một năm phải được tương đương với 20% tổng quĩ lương của ngành giáo dục ở địa phương đó. Nhưng theo bà Phan Thị Tuyết Mai, nguồn ngân sách của huyện ChưSê cho đến nay cấp cho ngành giáo dục huyện trong năm 2013 mới chỉ được 8% trên tổng số 20%. Như vậy kinh phí địa phương còn nợ ngành giáo dục huyện ChưSê tương đương với số tiền hơn 10 tỷ đồng, đã gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động của ngành. Trả lời câu hỏi của phóng viên Bà Phan Thị Tuyết Mai- Trưởng phòng Giáo dục- đào tạo huyện ChưSê nói: “Bên cạnh những cái tối thiểu thì các hoạt động chi thường xuyên của ngành đòi hỏi kinh phí rất lớn vì liên quan đến nhiều nội dung như trang thiết bị, đồ dùng dạy học, hóa chất phục vụ thí nghiệm… Còn rất nhiều việc phải lo nhưng hiện nay chi phí thường xuyên rất hạn hẹp, chưa đảm bảo theo mức qui định…”.

Sai phạm và sự chậm trễ trong việc thực hiện các chế độ phụ cấp cho cán bộ giáo viên, nhân viên ngành giáo dục theo Nghị định 116 của Chính phủ ở huyện ChưSê cũng như nguồn ngân sách địa phương chưa đảm bảo kịp thời cho ngành giáo dục ở huyện này là những vấn đề cần phải sớm được làm rõ. Bởi nó phần nào đã ảnh hưởng đến những chủ trương và chính sách rất ý nghĩa của nhà nước đối với sự quan tâm đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo./.        

Hà Đức-P’Piên


Lượt xem: 295

1 thought on “Sai phạm trong việc thực hiện Nghị định 116 của Chính phủ ở huyện ChưSê.”

  1. Thưa tòa soạn!
    Tôi là Đinh Văn Đứng, giáo viên môn Tiếng Anh tại trường TH Ngô Mây, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Tôi có một số thắc mắc về chế độ thu hút cần tòa soạn giải đáp thắc mắc như sau:

    – Tôi là giáo viên bộ môn Tiếng Anh (biên chế) được bố trí dạy 8 lớp học tiếng Anh tại trường,với 8×2 tiết/tuần = 16 tiết. Trong đó, 3/8 lớp tôi dạy nằm tại điểm trường trung tâm thuộc Làng Ó (Làng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 75/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư của chương trình 135 năm 2016) vậy tôi có thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thu hút theo nghị định 116 hay ko? Những giáo viên văn hóa đang công tác tại điểm trường này đều đang được hưởng phụ cấp thu hút. Trước đây tôi có được hưởng thu hút từ 05/11/2012 đến 06/2014. Sau đó tôi bị cắt thu hút vì lý do dạy không đủ 50% số tiết theo quy định (23 tiết/tuần) tại điểm trường Làng Ó (Làng ĐBKK). Như vậy có đúng không? và văn bản nào quy định như vậy?
    Rất mong được hồi âm sớm
    Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời