Quy định số 96 góp phần triển khai tốt công tác đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ

Cập nhật 12/2/2023, 16:02:42

Thực hiện chủ trương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngày 02/02/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Quy định này thay thế Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội. Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96 với nhiều điểm mới trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đã nhận được sự đồng thuận rất cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, bởi đây là một trong những cơ sở để giám sát, đánh giá, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ thực chất hơn; giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, phấn đấu, rèn luyện tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

  

Quy định 96 là bước cụ thể hoá của Quy định số 41 ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ và Kết luận số 20 ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi bị kỷ luật. Theo Quy định 96, việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả tín nhiệm phải đảm bảo dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm hành vi vi phạm làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Về phạm vi, đối tượng lấy phiếu tín nhiệm là cán bộ giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý các tổ chức cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp có đơn vị trực thuộc. Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt. Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 (năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp). Lấy phiếu tín nhiệm là nội dung quan trọng trong đánh giá cán bộ, được thực hiện định kỳ. Có 3 mức tín nhiệm: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. 2 nhóm tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, gồm: Nhóm tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật và nhóm tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu).

Ông Nguyễn Quang Cường – Trưởng phòng Tuyên truyền báo chí, văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai cho biết: “Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm góp phần hiện thực hoá các khát vọng của dân tộc ta về xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bộ Chính trị hành hành Quy định 96 có ý nghĩa rất thiết thực nhằm triển khai công tác đánh giá cán bộ một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả hơn. Quy định này cũng góp phần tạo nên một hệ thống các giải pháp để tăng cường công tác giáo dục, công tác quản lý cán bộ chặt chẽ hơn”.

So với một số quy định trước đây, điểm mới của Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ đó là: Những cán bộ có tín nhiệm thấp phải kịp thời xem xét đưa ra khỏi quy hoạch, cho từ chức, miễn nhiệm hoặc bố trí công tác khác thấp hơn chức vụ đang đảm nhiệm mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Cụ thể, những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổ dân phố 8, thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa nói: “Cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất phấn khởi khi Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về công tác cán bộ, xử lý cán bộ vi phạm. Trong đó Quy định 96 đã xác định rõ việc cán bộ có nhiều phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị xử lý ngay chứ không chờ hết nhiệm kỳ hay hết thời gian bổ nhiệm. Đây là điểm mới, rất hoan nghênh”.

Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chính là một trong những biện pháp tốt để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Ông Bùi Xuân Đồng – Tổ dân phố 7, phường Hội Thương, TP. Pleiku bày tỏ: “Qua phương tiện thông tin đại chúng thì chúng tôi biết được Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt thì theo tôi thì đây là việc làm rất có ý nghĩa. Qua đó, chúng ta có thước đo để đánh giá trình độ và năng lực của các cán bộ; qua đó thì chúng ta cũng rà soát lại ý kiến của cử tri đối với công tác cán bộ và sẽ thanh lọc được những cán bộ không đủ tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp thì nên từ chức hoặc miễn nhiệm để tạo điều kiện cho những người có đủ đức, đủ tài nắm giữ những cương vị đó. Qua việc lấy phiếu tín nhiệm thì cũng thúc đẩy tinh thần trách nhiệm đối với cán bộ để nâng cao tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước. Qua đó thì chúng ta cũng thấy rằng công tác cán bộ được thực hiện chu đáo hơn qua việc lấy phiếu tín nhiệm”.

Điểm mới của Quy định 96 so với các quy định cũ đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm không còn để tham khảo mà là một trong những cơ sở để triển khai ngay công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển đối với những cán bộ tín nhiệm thấp với từng khung rất cụ thể; sẽ tránh được tâm lý của người được lấy phiếu và người bỏ phiếu là lấy phiếu chỉ là hình thức.

Ông Nguyễn Quang Cường – Trưởng phòng Tuyên truyền báo chí, văn hóa, văn nghệ, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Gia Lai trao đổi: “Tôi thấy Quy định 96 rất cụ thể, chặt chẽ; việc lấy phiếu tín nhiệm không còn là kênh để tham khảo nữa mà là cơ sở để xử lý ngay đối với những trường hợp cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp. Việc ban hành Quy định 96 còn có nhiều điểm mới khác so với trước đây về việc đánh giá phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực công tác và những vấn đề liên quan đến người thân cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là cơ sở để cán bộ rèn luyện, phấn đấu ngày càng tốt hơn”.

Việc triển khai thực hiện tốt Quy định số 96 ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đây liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng cán bộ, là một khâu trong quy trình công tác cán bộ; là một trong những cách thức để kiểm soát quyền lực; đồng thời cũng là thử thách tích cực để mỗi cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, từ đó luôn nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân./.

 Hà Đức, Đức Hải, R’Piên


Lượt xem: 4

Trả lời