Quốc hội thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Lao động-Thương binh-Xã hội và Dân tộc

Cập nhật 06/6/2023, 17:06:06

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, hôm nay (06/6), dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đinh Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường thực hiện chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực LĐ-TB-XH và nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH, đại biểu Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nêu ý kiến:

Đại biểu Đinh Ngọc Quý – Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu: “Nguồn nhân lực và thị trường lao động vừa là yếu tố đầu vào và cũng là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế; tuy nhiên công tác quản trị thị trường lao động dường như chưa theo kịp thực tiễn và chậm đổi mới trong tổ chức thực hiện. Bộ trưởng có ý kiến thế nào về nhận định này và nếu đúng thì Bộ trưởng có đề xuất giải pháp gì. Thứ hai đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng hoạt động của hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm công hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động hay không?”

Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cũng tập trung vào một số nội dung như: Giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi xuất khẩu lao động nước ngoài; nguyên nhân và giải pháp để nâng tỷ lệ lực lượng lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn; làm rõ nguyên nhân và giải pháp đối với việc chậm, trốn đóng BHXH…

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực LĐ-TB&XH,một trong nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là về tình trạng rút BHXH một lần gia tăng. Các đại biểu chỉ ra, tình trạng lao động thiếu việc làm, không có việc làm, mất việc đã làm gia tăng số người hưởng BHXH một lần.Tình trạng rút BHXH một lần tăng cao đã đe dọa đến hệ thống an sinh xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao đến nay Bộ vẫn chưa ban hành định mức kỹ thuật và đơn giá dịch vụ tư vấn giới thiệu việc làm sử dụng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nghị định 61 có hiệu lực từ ngày 15/7/2020. Bộ trưởng cho biết vướng mắc của việc chậm trễ ban hành quy định này là gì, đây có phải là nguyên nhân dẫn đến việc hạn chế vai trò của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong việc hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm hiện nay hay không?”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, tình hình rút BHXH một lần có gia tăng, đặc biệt tăng nhiều sau đại dịch Covid-19. Bộ trưởng cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể cho tình trạng này. Về việc thành lập Quỹ hỗ trợ người lao động, Bộ trưởng cho rằng đó là một trong các giải pháp, bên cạnh nhiều giải pháp khác trong tháo gỡ vướng mắc cho thị trường lao động. Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần sửa Luật BHXH và các nội dung này cũng được trình bày trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10.

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực dân tộc; đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết quan điểm, giải pháp tháo gỡ vướng mắc các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đại biểu đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh làm rõ các trách nhiệm, giải pháp tháo gỡ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình này. Cùng với đó là làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của những bất cập trong việc giao đất cho đồng bào sản xuất; khó khăn, vướng mắc và giải pháp giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; giải pháp triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 năm 2020 của Quốc hội khóa 14; cũng như đề nghị đánh giá tác động của Quyết định 861 của Thủ tướng Chính phủ…/.

BT Mỹ Tiến – Trần Thi


Lượt xem: 1

Trả lời