Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Cập nhật 11/11/2022, 11:11:46

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp Thứ 4, sáng nay (11/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, đại biểu cho rằng những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật về cơ bản đang hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập của các quy định pháp luật về giao dịch điện tử hiện nay, tạo hành lang pháp lý hoàn thiện đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số nhằm chủ động tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.  Theo đại biểu, dự thảo Luật cũng đã thể hiện đầy đủ các quan điểm của Đảng, Nhà nước và Hiến pháp năm 2013 và cơ bản đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật để đóng góp, hoàn thiện dự thảo Luật.

Nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đến các hoạt động của đời sống xã hội; tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, đại biểu cho rằng cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch. Đại biểu cũng đề nghị cân nhắc, hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với một số lĩnh vực như cấp các giấy tờ về đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh bởi hiện nay vẫn cần phải có mặt của những người có liên quan hoặc thân nhân của họ theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân; đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ.

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu cũng cho biết Luật Giao dịch điện tử năm 2005 được xem là luật khung quy định những vấn đề kỹ thuật đặc thù phát sinh trong môi trường điện tử. Sau 16 năm thực hiện, luật đã có những đóng góp tích cực đối với phát triển kinh tế-xã hội, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng phát trong tất cả các lĩnh vực. Phương thức giao dịch có nhiều thay đổi với sự xuất hiện ngày càng nhiều các nền tảng số làm trung gian cho các giao dịch điện tử trực tuyến đòi hỏi phải có khung pháp lý phù hợp, đáp ứng với nhu cầu thực tế. Do đó, việc Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện luật để khắc phục những bất cập, tồn tại, hạn chế của luật hiện hành là yêu cầu cấp thiết và phù hợp với thực tiễn./.

BT Mỹ Tiến – Trần Thi


Lượt xem: 2

Trả lời