Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ 4 dự án luật

Cập nhật 15/11/2019, 18:11:57

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, hôm nay 15/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án Luật Thanh niên.

Trong phiên làm việc sáng, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra các đại biểu đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Về Luật doanh nghiệp, vấn đề doanh nghiệp có quyền quyết định có hoặc không có con dấu, giúp giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Việc bỏ con dấu có thể giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp nhưng sẽ phát sinh những thủ tục khác phức tạp hơn khi xảy ra tranh chấp. Đồng thời, việc bỏ con dấu cũng cần rà soát với các luật khác do một số luật hiện hành có quy định về con dấu của doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.  Bên cạnh đó, vấn đề đòi nợ thuê cũng gây nhiều nhức nhối trong xã hội trong thời gian qua. Các tổ chức đòi nợ thuê phải bị chấm dứt vì tất cả mọi vấn đề vi phạm đều đã quy định trong luật, không nên hình thành thêm 1 tổ chức dưới tên gọi đòi nợ thuê.

Ông Đinh Duy Vượt – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhất trí “Tôi đồng ý vấn đề “đòi nợ thuê” không đưa vào trong kinh doanh có điều kiện mà đưa hẳn ra ngoài. Và nêu rõ mặt trái của nó. Nếu không, dịch vụ này nở rộ, thì đằng sau dịch vụ này sử dụng công cụ giống như “xã hội đen” vậy thôi. Nếu chúng ta quản không tốt, thì hệ thống phía sau “đòi nợ – xã hội đen” sẽ càng nở rộ.”

Vấn đề điều chỉnh thời gian hoạt động dự án trong Luật đầu tư cũng nhận được sự quan tâm của các đại biểu.

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về luật ban hành văn bản quan phạm pháp luật và dự thảo luật thanh niên. Đa số các ý kiến nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ các dự án luật trên, đồng thời đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả 2 dự án luật trên. Đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Lê Thư


Lượt xem: 14

Trả lời