Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk

Cập nhật 15/11/2022, 10:11:51

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay (15/11), Quốc hội biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy Kỳ họp (sửa đổi) cùng Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Trong đó, đã chỉnh sửa một số Điều theo ý kiến của đại biểu Quốc hội. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) gồm 03 Điều, Dự thảo Nội quy Kỳ họp Quốc hội gồm 03 Chương, 58 Điều. Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp, có 466 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 93,57 %. Như vậy Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Việc ban hành Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù đối với thành phố Buôn Ma Thuột là để thực hiện chủ trương, định hướng phát triển thành phố Buôn Ma Thuột theo đúng Kết luận số 67 của Bộ Chính trị, phù hợp với điều kiện, thế mạnh của Thành phố và chủ trương của Bộ Chính trị, đồng thời cũng góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 23.  Kết quả biểu quyết điện tử tại phiên họp, có 470 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Nghị quyết, chiếm 94,38 %. Vì vậy Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu nhằm thế chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập hiện hành, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý, góp phần phòng, chống lãng phí, giải quyết những tồn tại trong lựa chọn nhà thầu mua sắm công. Ngoài ra các đại biểu cũng đã góp ý đối với từng nhóm chính sách và các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

BT Ngọc Hà


Lượt xem: 2

Trả lời