Quảng trường Đại Đoàn Kết – Biểu tượng của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc

Cập nhật 13/3/2023, 11:03:04

Quảng trường Đại Đoàn Kết là công trình văn hóa tiêu biểu của tỉnh Gia Lai. Công trình ý nghĩa này không chỉ là nơi để cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam mà Quảng trường Đại Đoàn Kết còn là biểu tượng của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc.

Được khánh thành và đưa vào hoạt động cách đây tròn 10 năm, nằm ngay trung tâm TP.Pleiku, Quảng trường Đại Đoàn Kết đã trở thành biểu tượng về tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc tỉnh Gia Lai. Từ tên gọi của Quảng trường cũng đã hàm ý nói lên điều này. Trong khuôn viên Quảng trưởng tháp đá từ 54 khối đá ghép vào càng thể hiện rõ tinh thần đại đoàn kết, gắn bó bền chặt của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; trong đó có 44 dân tộc đang sinh sống ở tỉnh Gia Lai luôn khắc ghi về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Thạc sỹ Lịch sử Đảng Võ Thị Ái – Trường Chính trị tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Đây là một công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử và chính trị nhân văn sâu sắc; thể hiện sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói riêng. Quảng trường Đại Đoàn Kết phản ánh một cách sinh động về lịch sử, truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc Gia Lai; trong đó có truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Và còn một ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự gửi gắm tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tri ân sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Bác Hồ.”

Dù chưa một lần về với Tây Nguyên song Bác Hồ luôn dành tình yêu, sự quan tâm sâu sắc và dành trọn niềm tin đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong bối cảnh “đất nước ngàn cân treo sợi tóc” khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược đất nước ta một lần nữa, trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại thị xã Pleiku vào ngày 19/4/1946, Bác đã nhắn nhủ: “…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”. Khắc ghi lời dạy của Người, trong suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ hay trong thời kỳ đất nước đổi mới, đồng bào các dân tộc Gia Lai vẫn luôn giữ vững tinh thần đoàn kết cùng với cộng đồng các dân tộc Việt Nam chung sức, đồng lòng đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập tự do cho nước nhà và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.

Dù có những người chưa một lần được gặp Bác song khi đến Quảng trường Đại Đoàn Kết được ngắm nhìn tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên thì trong mỗi người con của vùng đất Gia Lai rất đỗi tự hào và luôn khắc ghi lời Bác dạy về tinh thần đại đoàn kết.

Ông Nguyễn Địch Long – Phường Hội thương, TP.Pleiku chia sẻ: “Đối với tôi mỗi lần đến với Quảng trường Đại Đoàn Kết tôi luôn cảm nhận về tư tưởng đại đoàn kết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra là tư tưởng lớn, là tư tưởng vĩ đại đối với dân tộc chúng ta và đối với từng người. Và mỗi người đều lấy đó để rèn luyện mình, tự xây dựng cho mình một tinh thần đoàn kết với nhau, giúp đỡ nhau, tương thân tương trợ lẫn nhau để xây dựng gia đình, xây dựng địa phương và lớn hơn nữa là xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.”

Ông Rơ Lan Yên – Phường Đoàn kết, thị xã Ayun Pa tự hào: “Tôi đã nhiều lần được đi tham quan Quảng trường và tượng đài của Bác Hồ và tôi rất vinh dự là một người con Jrai và cũng mong bà con chúng ta luôn đoàn kết để xây dựng Gia Lai ngày càng giàu đẹp và phát triển mạnh mẽ hơn.”

Già làng Đinh Yem- Xã Đông, huyện Kbang xúc động nói: “Tới Quảng trường của tỉnh được nhìn thấy hình Bác thì mình cũng luôn suy nghĩ là Bác rất là quan tâm đến Tây Nguyên. Bản thân tôi dù chưa gặp Bác nhưng tôi luôn cố gắng phấn đấu làm sao gương mẫu cho bà con và con cháu noi theo.”

Tròn 10 năm đi vào hoạt động, Quảng trường Đại Đoàn Kết như một minh chứng, tô đẹp thêm truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc ta và khẳng định về tinh thần, tư tưởng đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng mà không gì có thể chia rẽ được

Đức Hải – Thanh Sáng – Duy Linh


Lượt xem: 12

Trả lời