Phụ nữ làng Groi – Những người giữ lửa văn hóa truyền thống

Cập nhật 23/8/2017, 09:08:52

 Ngoài công việc đồng áng hàng ngày hay thiên chức thiêng liêng khi chăm sóc gia đình như bao người phụ nữ khác thì phụ nữ làng Groi (xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro) còn mang trong mình niềm tự hào, bởi vì họ đã góp một phần không nhỏ trong giữ lửa cho văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng.

Làng Groi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro một ngày vui hơn mọi ngày khi tiếng cồng, tiếng chiêng đang ngân vang rộn ràng, hòa quyện với những điệu múa xoang uyển chuyển, mê hoặc lòng người. Tất cả dường như đang báo hiệu những điều tốt đẹp đang chờ đón ở phía trước. Đối với già làng Đinh Văn ANep thì đây không chỉ là niềm vui mà còn là sự tự hào rất lớn. Bởi vì, không phải ai khác, phụ nữ lại là người giữ lửa cho văn hóa truyền thống tại làng. Nhờ họ, người dân đã không lãng quên nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc, đồng thời làm khởi sắc phong trào tập cồng chiêng, tập múa xoang dường như đã bị bỏ quên trong một thời gian dài.

Già làng Đinh Văn ANep cho biết: “Già vui lắm, hôm nay phụ nữ đánh cồng chiêng như thế này già rất thích. Mong rằng phụ nữ sẽ duy trì và thêm nhiều người đánh cồng chiêng hơn nữa”.

Câu lạc bộ cồng chiêng của phụ nữ làng Groi được thành lập từ đầu năm 2016. Thu hút nhiều lứa tuổi tham gia, từ những em học sinh đến những người phụ nữ lớn tuổi trong làng. Chính sự yêu thích nét đẹp văn hóa đã gắn kết họ lại với nhau, giúp họ quên đi nỗi vất vả, lo toan của cuộc sống trong từng điệu múa, từng tiếng chiêng ngân. Đồng thời, đây cũng là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chị Đinh Thị Suech, làng Groi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro nói: “Tham gia vào câu lạc bộ cồng chiêng tôi cảm thấy rất vui. Cùng chị em múa xoang, đánh cồng chiêng. Ai biết cái gì thì sẽ chỉ bảo cho người kia. Như thế ai cũng biết đánh chiêng, biết múa xoang. Chúng tôi còn chia sẻ cho nhau nhiều điều trong cuộc sống để cho gia đình hạnh phúc, ấm no”.

Em Đinh Thị Nghiệp, làng Groi, xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro chia sẻ: “Em rất tự hào khi được mặc trên người bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Nó tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Ba na. Em sẽ bảo vệ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc”.

Câu lạc bộ cồng chiêng của chị em phụ nữ làng Groi đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong suy nghĩ, nâng cao nhận thức giữ gìn văn hóa truyền thống không chỉ đối với người dân trong làng mà còn lan tỏa sang cả những làng khác trong xã.

Ông Đinh Văn Lên, Phó Chủ tịch xã Đăk Tơ Pang, huyện Kông Chro cho biết: “Chúng tôi sẽ cố gắng nhân rộng mô hình câu lạc bộ phụ nữ đánh cồng chiêng của làng Groi này ra 4 làng nữa của xã để cùng giữ gìn văn hóa dân tộc”.

Xã Đăk Tơ Pang hiện có 100%  dân số là người dân tộc Ba Na. Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chính những người phụ nữ chịu thương chịu khó trong phát triển kinh tế và đặc biệt là biết duy trì truyền thống của dân tộc như thế này đã làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và ý nghĩa hơn./.

Thanh Vui, Ksor Tuối


Lượt xem: 119

Trả lời