Phụ nữ khởi nghiệp nỗ lực vượt khó, sáng tạo để thành công

Cập nhật 20/10/2022, 07:10:43

Phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng phát triển ở nhiều địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Dù hành trình khởi nghiệp ban đầu không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” nhưng nhiều hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã kiên trì, nỗ lực, vượt khó, sáng tạo để có thể gặt hái được thành công. Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), THGL xin giới thiệu về những câu chuyện nỗ lực vượt khó để khởi nghiệp thành công của một số hội viên, phụ nữ thuộc thế hệ 8x, 9x trên địa bàn tỉnh.

Ý tưởng chế biến sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên, giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng của chị Nguyễn Thị Kim Anh – Hội viên Hội LHPN phường Hoa Lư, TP.Pleiku là 1 trong 15 ý tưởng khởi nghiệp vinh dự lọt vào vòng chung kết “Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Gia Lai năm 2022. Vốn xuất thân từ nghề trồng rau, năm 2018 khi đang loay hoay sang tỉnh Đắk Lắk tìm cách tiêu thụ vườn sả của gia đình, chị đã tình cờ được nghe nói về tinh dầu sả, từ đó thôi thúc chị mạnh dạn thử nghiệm chế biến vườn sả của gia đình thành tinh dầu, nước lau nhà. Dù trải qua không ít lần thất bại, nhưng chị đã kiên trì vượt khó và dần gây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm tinh dầu, sản phẩm chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng mang tên An Thiên. Nhờ vậy năm 2020, sản phẩm tinh dầu An Thiên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh tin dùng, 22 sản phẩm do chị sản xuất còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành với doanh thu mỗi tháng 100 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh – Chủ cơ sở sản xuất tinh dầu An Thiên, TP. Pleiku chia sẻ: “Lúc đó mình đem sản phẩm đi tiêu thụ cũng khó khăn, vì bao bì mẫu mã chưa bắt mắt và phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm đã có tiếng trên thị trường. Thậm chí khi đi chào hàng có tiệm tạp hóa còn thẳng thừng từ chối sản phẩm của mình luôn… Sau này thành công rồi nhưng mình nhớ mình từng chở từng thùng và đi bán từng chai một”.

Qua 5 năm triển khai “Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo”, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã nhận được 748 bài dự thi viết ý tưởng/kế hoạch kinh doanh của các hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Với nhiều chị em thuộc thế hệ 8x, 9x… hành trình khởi nghiệp không phải lúc nào may mắn cũng mỉm cười, thậm chí là thất bại…, nhưng với sự kiên trì, nỗ lực, vượt khó và không ngừng đổi mới, sáng tạo, nhiều chị em đã khởi nghiệp thành công. Chị Trần Thị Bé – Hội viên Hội LHPN phường Hội Thương, TP.Pleiku, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Lâm Gia Phát là 1 trong số đó. Bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018 với nghề sản xuất thực phẩm mang thương hiệu K.B foods từ nguyên liệu đặc sản Gia Lai, qua 4 năm, người phụ nữ thuộc thế hệ 9x này đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và phần thưởng của các cấp, ngành về phong trào phụ nữ trẻ khởi nghiệp, qua đó góp phần xây dựng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.

Chị Trần Thị Bé – Giám đốc Công ty TNHH MTV Trần Lâm Gia Phát, TP. Pleiku cho biết: “Mỗi chị em phụ nữ nên có những giấc mơ của riêng mình, đừng trì hoãn và nên cố gắng. Bởi vì trong quá trình khởi nghiệp có rất nhiều khó khăn nhưng tôi muốn chia sẻ đó là sự kiên trì, nỗ lực, chịu khó học hỏi và không ngừng đổi mới chính bản thân mình, cách làm, tư duy của mình thì sẽ có kết quả, đến được cái đích mình đi đến”.

Bà Rơ Chăm H’Hồng – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai cho biết: “Các cấp Hội đã chủ động phát huy vai trò của hội viên, phụ nữ tham gia chương trình OCOP. Đặc biệt đã hỗ trợ thành lập 16 Hợp tác xã do phụ nữ quản lý với 248 thành viên, hỗ trợ kỹ thuật cho 76 phụ nữ, HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 – 4 sao. Từ các hoạt động thực hiện đề án những sản phẩm OCOP của chị em đã góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Có thể nói trong cuộc sống hiện đại ngày nay và qua phong trào phụ nữ khởi nghiệp, nhiều chị em càng năng động và khát khao vươn lên phát triển kinh tế gia đình, mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh thách thức thì thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện nay cũng tạo ra nhiều cơ hội để chị em có thể nắm bắt và tận dụng trong quá trình khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Hồ Thị Quý – Nguyên Trưởng Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Để sản phẩm của chị em vươn xa, doanh nghiệp của mình phát triển, chị em buộc phải ứng dụng công nghệ số. Công nghệ số ở đây thì bao gồm cả quản trị, sản xuất sản phẩm và cả quy trình marketing sản phẩm, tung sản phẩm ra thị trường vì hiện nay là thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nên chị em muốn bán được nhiều sản phẩm, ra thị trường quốc tế thì không thể không dùng đến thương mại điện tử”.

Có thể nói, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, vị trí công việc gì, phụ nữ Việt Nam cũng luôn tỏa sáng phẩm chất: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng. Với những nỗ lực, vượt khó, sáng tạo để theo đuổi ước mơ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh của nhiều hội viên, phụ nữ trong cả nước nói chung và tỉnh Gia Lai không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển bền vững; qua đó tỏa sáng hình ảnh phụ nữ “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

 Thiên Thanh, Ksor Tuối, Minh Vũ


Lượt xem: 16

Trả lời