Phỏng vấn: Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo

Cập nhật 28/8/2017, 08:08:27

Thời gian gần đây, một số người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở thành nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền thiệt hại lên tới cả trăm triệu đồng. Để giúp quý vị và các bạn biết rõ hơn về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo này, PV Đài PT-TH Gia Lai đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Gia Lai. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi!

PV: Thưa ông, trong vài năm gần đây, đặc biệt là từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trường hợp là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Trong đó, phổ biến là lừa đảo bằng hình thức thông báo trúng thưởng bằng một hiện vật có giá trị hoặc lừa đảo nạp tiền bằng card điện thoại để nhận quà tặng từ các đối tượng qua làm quen, kết bạn qua Facebook. Qua điều tra, xác minh của Công an tỉnh, ông thấy nổi lên những điều gì đáng quan tâm?

Thượng tá Trần Trọng Sơn: Trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đối tượng để lừa đảo công dân trên địa bàn. Lừa đảo kết bạn qua Facebook, các đối tượng trong quá trình giao dịch xưng là nhân viên công tác tại các nước tư bản, nhất là các nước vùng Vịnh, sau đó làm quen một số phụ nữ Việt Nam. Các đối tượng ngỏ lời yêu đương, nói muốn lấy vợ là người Việt Nam vì gia đình trục trặc, sau đó gửi quà tặng cho số đối tượng phụ nữ này. Sau đó, chúng cấu kết với một số đối tượng giả danh là nhân viên Hải quan, yêu cầu gửi tiền, phí hải quan, phí dịch vụ và có những bị hại gửi cho các đối tượng hàng trăm triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi tiếp nhận 5 cái đơn, người thiệt hại nhiều nhất là 380 triệu đồng. Thứ 2 là lừa đảo trúng thưởng, các đối tượng thông báo qua Facebook thông báo khách hàng trúng thưởng từng quý, từng tháng với các giải thưởng như xe SH, phiếu tặng quà trị giá hàng trăm triệu đồng, sau đó yêu cầu các chủ thuê bao điện thoại gửi tiền, bằng cách nạp các card điện thoại, có những trường hợp nạp card điện thoại đến 20 triệu đồng, gần đây nhất là đầu tháng 8 vừa rồi có 1 bị hại ở Bờ Ngoong, Chư Sê đã gửi card cho đối tượng trên 11 triệu đồng.

PV: Thưa ông, trước nhiều phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, về phía cơ quan chức năng có những khuyến cáo như thế nào đối với người dân nhằm tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, dẫn đến tình trạng tiền mất tật mang?

Thượng tá Trần Trọng Sơn: Qua điều tra chúng tôi xác định hầu hết các đối tượng sử dụng thủ đoạn này là đều mở tài khoản tại các ngân hàng ở Việt Nam, sử dụng các chứng minh nhân dân do các đối tượng nhặt được để mở tài khoản. Sau khi bị hại gửi tiền vào thì chúng rút tiền bằng các thẻ thanh toán quốc tế. Qua điều tra, các đối tượng rút tiền từ các nước khác như ở Campuchia hay Inđônêsia. Qua kiểm tra các địa chỉ IB thì các địa chỉ Facebook này chủ yếu nằm ở nước ngoài, chủ yếu là Inđônêsia và Singapore./ Đối với việc lừa đảo bằng hình thức trúng thưởng, đề nghị người dân không nên tham gia vào các trò chơi này, bởi không có trường hợp chúng ta không tham gia một vật chất nào mà có trúng thưởng lớn. Người dân trong quá trình giao dịch qua điện thoại, Facebook với các đối tượng cần hết sức cảnh giác, nhất là các đối tượng xưng công dân và quân sự công tác tại nước ngoài, đến từ các nước vùng vịnh,  công tác tại sự quán ở các nước vùng vịnh thì tuyệt đối không nên làm quen, kết bạn. Vì hiện nay đang là những đối tượng lừa đảo, người dân cần hết sức cảnh giác khi làm quen, kết bạn qua Facebook. Khi gặp những trường hợp như thế này, người dân cần hết sức bình tĩnh, giữ mối quan hệ nhưng tuyệt đối không nên chuyển tiền và thông báo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an các cấp từ Công an tỉnh Gia Lai đến các huyện, thị xã, thành phố để phối hợp bắt giữ những đối tượng này.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi ./.

Thiên Thanh-R’Piên

 

 


Lượt xem: 278

Trả lời