Phỏng vấn ông Nguyễn Thành Tân – Phó giám đốc BHXH TP. Pleiku về BHYT học sinh

Cập nhật 30/8/2019, 17:08:02

Vào đầu mỗi năm học, các trường đều tổ chức khám,  phân loại sức khỏe cho học sinh để theo dõi quá trình phát triển thể chất, quản lý bệnh tật trong thời gian học tập tại trường. Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện BHYT học sinh trong năm học qua cũng như năm học này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Tân – Phó giám đốc BHXH TP Pleiku về vấn đề này.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia trao đổi với chúng tôi, xin ông cho biết thời gian qua công tác triển khai BHYT học sinh trên địa bàn TP. Pleiku được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Tân, Phó Giám đốc BHXH TP. Pleiku, Gia Lai: Trong thời gian qua việc triển khai BHYT học sinh giữa BHXH, phòng GD&ĐT được UBND thành phố quan tâm chỉ đạo sát sao, vì vậy nên trong công tác triển khai BHYT học sinh có nhiều thuận lợi và kết quả tỷ lệ học sinh tham gia 89,11%/tổng số học sinh phải tham gia BHYT và cũng đảm bảo được chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh.

Tuy nhiên trong việc  triển khai học sinh tham gia BHYT tỷ lệ còn trên 7000 đối tượng học sinh chưa tham gia, rơi vào các trường có đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ học sinh cao. Mặc dù năm học 2018 – 2019 những em thuộc gia đình đông con khó khăn được ngân sách nhà nước và từ quỹ kết dư các em chỉ đóng 50% tuy nhiên chỉ có 332 em thuộc nhóm đối tượng này tham gia. Vì vậy tỷ lệ học sinh tham gia BHYT chưa đạt 100%.

PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong các trường học hiện nay?

Ông Nguyễn Thành Tân, PGĐ BHXH TP. Pleiku, Gia Lai: Từ năm 2019 thực hiện Nghị định 146 ngày 17/10/2018 của Chính phủ tại điều 33 và 34 có quy định về điều kiện cũng như nội dung chi và thanh toán, quyết toán kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học yêu cầu phải đủ điều kiện là có nhân viên y tế, có giấy phép hành nghề khám chữa bệnh. Tuy nhiên các trường hầu như những trường có nhân viên y tế đều chưa có giấy phép hành nghề theo luật khám chữa bệnh. Vì vậy năm học 2019 chưa trích quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trường. Với những khó khăn này BHXH thành phố đã có báo cáo số 58 ngày 15/3 với UBND Tp. Pleiku và báo cáo với ngành kiến nghị với các bộ, ngành tháo gỡ nội dung này.

PV: Để triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong năm học tới, hiện cơ quan BHXH đã thực hiện những công việc gì?

Ông Nguyễn Thành Tân, PGĐ BHXH TP. Pleiku, Gia Lai: Đối với ngành BHXH cũng có văn bản số 1378 kiến nghị Bộ Y tế thì ngày 4/6/2019 có công văn số 3118 để hướng dẫn nội dung này. Tuy nhiên trong hướng dẫn đối với những nội dung quy định đối với các trường chưa có nhân viên y tế có giấy phép hành nghề thì có thể ủy quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh là Trạm y tế hoặc phòng khám đa khoa ký hợp đồng với các cơ sở giáo dục hoặc các cơ sở giáo dục dạy nghề để thực hiện chức năng này. Tuy nhiên về nội dung này giữa 2 ngành cũng chưa được thống nhất thì ngày 1/8/2019 BHXH Việt Nam đã có công văn 2797 yêu cầu Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể trong cả nước về mẫu hợp đồng, về quy định cơ quan BHXH địa phương cũng như các trường học và các cơ sở khám chữa bệnh có mẫu hợp đồng thống nhất với nhau để thuận lợi thanh quyết toán theo quy định của pháp luật.

Qua cuộc trao đổi vừa rồi rõ ràng công tác triển khai BHYT học sinh trong trường học đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi nhiều trường chưa có nhân viên y tế, thậm trí nếu có thì hầu hết họ cũng chưa có giấy phép hành nghề. Năm học mới đang đến gần, việc khám sức khỏe ban đầu cho học sinh là quan trọng thì một số quy định mang tính bắt buộc giữa ngành BHXH, ngành Y tế và ngành giáo dục đến nay vẫn chưa được thống nhất./.

Lệ Xuân, Huy Toàn


Lượt xem: 86

Trả lời