Phỏng vấn ông Nguyễn Dũng – Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai về triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19

Cập nhật 24/4/2020, 08:04:29

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng việc bảo đảm an sinh xã hội. Hiện các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang phối hợp triển khai Nghị quyết để đảm bảo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân trên địa bàn tỉnh kịp thời, khách quan, đúng đối tượng. Để giúp quý vị hiểu hơn về nội dung này, phóng viên Đài PT-TH Gia Lai có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Dũng- Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai về triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

PV: Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông có thể cho biết, về phía Sở Tài chính đã triển khai những nội dung công việc gì để đảm bảo việc chi trả, hỗ trợ kịp thời?

Ông Nguyễn Dũng – Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 42 thì Sở Tài chính đã chủ động báo cáo với UBND tỉnh và làm việc trực tiếp với Sở LĐ-TB và Xã hội để xác định các đối tượng được hưởng, các chế độ an sinh xã hội do ảnh hưởng bỏi dịch bệnh Covid-19 gây ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sở Lao động đã cùng với Sở Tài Chính, đặc biệt là ngành Thuế nắm bắt các đối tượng ví dụ như hộ kinh doanh có số doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm. Thứ 2 là chỉ đạo các huyện xã nắm lại tình hình các nguồn kinh phí, đặc biệt là tập trung rà soát các đối tượng để có báo cáo đề xuất kịp thời. Hiện nay trên địa bàn của tỉnh đối tượng nhiều nhất là hộ nghèo, trên 25.800 hộ và hộ cận nghèo là 36.988 hộ. 2 đối tượng này chủ yếu là cấp xã, phường nắm quản lý và kê khai và huyện, xã, phường trực tiếp chi trả cho đối tượng này. Mặc dù hiện nay Thủ tướng Chính phủ chưa ban hành quyết định cụ thể để mà phân công chức năng cho từng ngành, nhưng riêng 2 đối tượng này thì giao cho cấp huyện, xã, phường. Đối tượng gia đình người có công với cách mạng là khoảng 13.472 người, và số tiền phải chi là trên 20 tỷ đồng, đối tượng này Sở LĐTB và Xã hội sẽ quản lý cũng như theo dõi quá trình hỗ trợ. Số lao động bị chấm dứt lao động thì theo báo cáo của Sở Lao động là 1.048 người, thì số này Bảo hiểm sẽ họp với Sở Tài Chính, Sở LĐTB và Xã hội và các địa phương để nắm. Đối tượng cuối cùng là số lao động bị ngưng việc là trên 58.000 khẩu với số tiền dự kiến là 314 tỷ đồng.

PV: Vậy ông có thể cho biết tổng số kinh phí dự kiến hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu và việc hỗ trợ sẽ được thực hiện khi nào?

Ông Nguyễn Dũng – Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai: Tổng số tiền tổng hợp lại hỗ trợ cho các đối tượng khoảng trên 589 tỷ đồng, thì chúng tôi cũng cân đối các nguồn tài chính để đảm bảo. Trong đó Trung ương hỗ trợ 70%, khoảng 412 tỷ đồng, kinh phí của tỉnh là 30%, trên 176 tỷ đồng. Trong số 176 tỷ đồng này theo tính toán của ngành thì sẽ chi từ các nguồn gồm: Từ khoản dự phòng ngân sách tỉnh để chi trả thêm khoảng 48 tỷ đồng, nguồn từ quỹ dự phòng cấp huyện, xã là trên 62 tỷ đồng, nguồn từ dự trữ tài chính là khoảng 65 tỷ đồng. Như vậy về nguồn kinh phí thì ngành Tài chính đã đảm bảo cân đối, hiện giờ chỉ chờ việc phân công cơ quan chức năng đến các huyện, xã, phường thị trấn để chi trả kịp thời. Có thể nói là chúng ta chủ động trong việc chuẩn bị nguồn kinh phí cho các đối tượng, đảm bảo an sinh xã hội. Sở Tài chính cũng đã hướng dẫn cho các huyện chủ động sử dụng các nguồn quỹ dự phòng, và nếu như huyện nào mà thiếu nguồn và khó khăn về kinh phí thì báo ngay về tỉnh và Sở Tài chính để phân bổ kịp thời. Tuy nhiên, cái khó khăn hiện nay chưa chi trả được là chờ Quyết định của Chính phủ giao cho ngành nào. Ví dụ như giao Sở LĐTB và Xã hội, hay cho Bảo hiểm xã hội chủ trì cũng như hướng dẫn các thủ tục chi trả, rồi việc giám sát của MTTQ Việt Nam để người dân tiếp cận sớm nhất nhưng hiện nay là chưa có ban hành. Phải nói là rất sốt ruột nhưng phải chờ để làm cho đúng với mục đích là không để thiếu sót các đối tượng đồng thời cũng để tránh tiêu cực xảy ra. Như vậy là chỉ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ là sẽ triển khai ngay.

PV: Cảm ơn ông về những thông tin trên!

Lê Thư, Minh Trí


Lượt xem: 220

Trả lời