Phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi Cục kiểm lâm Gia Lai.

Cập nhật 04/6/2016, 10:06:48

Ngày 5.6 là ngày Môi trường thế giới. Chủ đề của ngày môi trường thế giới năm nay là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Vâng! Một thông điệp rất cụ thể đã được đưa ra nhằm kêu gọi chúng ta hãy thực hiện những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống. Lúc này, câu hỏi được nhiều người đặt ra là mỗi người cần phải làm gì để bảo vệ môi trường sống? Trả lời cho câu hỏi này phóng viên của Đài PT – TH Gia Lai có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi Cục kiểm lâm Gia Lai. 

 

PV Lê Thư: Thưa bà, hiện nay tình hình thời tiết rất phức tạp, hiện tượng  El Nino gây ảnh hưởng rõ rệt, một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do suy giảm da dạng sinh học. Vậy bà có thể cho biết tại Gia Lai ảnh hưởng của sự suy giảm đa dạng sinh học như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm Gia Lai:

Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật trong hệ sinh thái  tự nhiên. Đối với Gia Lai chủ yếu là hệ sinh thái rừng, tức là đa dạng sinh học về rừng. Chính vì vậy, trong thời gian qua do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng khô hạn kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra 7 điểm cháy thực bì dưới tán rừng. Nhưng nhờ sự tuần tra, phát hiện, tổ chức cứu chữa, dập tắt kịp thời, nên không để xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây rừng, làm ảnh hưởng đến sự sống của một số loài sinh vật dưới tán rừng, làm suy giảm đa dạng sinh học về rừng.                             

Đồng thời, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, khô hạn kéo dài gây thiếu nước trầm trọng của các dòng suối và mạch nước ngầm làm ảnh hưởng đến chu trình sinh học của hệ sinh thái rừng.  Tại tỉnh ta chưa thấy biểu hiện rõ rệt điều đó, nhưng một minh chứng cụ thể là tại Đăk Lăk, voi rừng do thiếu nước, môi trường sống bị phá vỡ nên đã rời khỏi rừng, tìm vào khu vực dân cư.

PV Lê Thư: Vậy bà có thể cho biết những khó khăn đặt ra đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học rừng tại Gia Lai?

Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm Gia Lai:

Đa dạng sinh học về rừng có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với đời sống, kinh tế, xã hội, điều này đã được các nhà khoa học khẳng định nhưng nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống gần rừng, liền rừng về đa dạng sinh học rừng còn rất hạn chế. Đồng thời, các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy sự phối kết hợp giữa các ngành, cac cấp trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, đặc biệt lầ địa phương cấp xã còn coi đây là nhiệm vụ của kiểm lâm. Vấn đề nữa là hiện diện tích rừng tại Gia Lai khá lớn với trệ 632.000 ha, phân bố rải rác, trải rộng trên địa bàn của toàn tỉnh. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm của tỉnh quá mỏng, một kiểm lâm phải quản lý trên 3.000ha rừng. Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số và di dân tự do gây áp lực vào rừng như: Lấn chiếm đất rừng để sản xuất, du canh nương rẫy…Đó là những vấn đề đang đặt ra đối với công tác đa dạng sinh học của tỉnh ta nói riêng, cả nước và thế giới nói chung.

PV Lê Thư: Để công tác bảo tồn rừng ngày càng tốt hơn, đặc biệt là hưởng ứng chủ đề ngày môi trường năm nay là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”, ngành kiểm lâm tỉnh Gia Lai sẽ có những chương trình, hành động gì?

Bà Nguyễn Thị Kim Hương – Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng-Bảo tồn thiên nhiên-Chi cục Kiểm lâm Gia Lai:

Để công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn, thời gian tới ngành kiểm lâm Gia Lai sẽ chủ động xây dựng kế hoạch các chương trình, dự án về bảo tồn đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng như: Kế hoạch bảo vệ phát triển rừng giai đoạn 2015-2020; Chương trình trồng rừng, làm giàu rừng, xúc tiến sinh thái rừng; Dự án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng giai đoạn 2016-2020; Đề án kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm Gia Lai giai đoạn 2014-2020…Đồng thời, thực hiện các hoạt động tuyên truyền về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên đến các đối tượng học sinh, người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng để nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên rừng, tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Đó là những chương trình, hành động cụ thể của ngành kiểm lâm Gia Lai để công tác bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

PV Lê Thư: Vâng cảm ơn bà đã  trả lời phỏng vấn!

 

 

Hồng Uyên – Lê Thư – Thanh Sáng – Huy Toàn


Lượt xem: 615

Trả lời