Phòng chống sốt xuất huyết – trách nhiệm không chỉ riêng ai

Cập nhật 19/7/2016, 14:07:45

2.475 là số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay và 17/17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Thành phố Pleiku vẫn là địa bàn có số  bệnh nhiều nhất với hơn 650 ca. Với tình hình thời tiết như hiện nay, nếu không có sự chung tay của cả cộng đồng thì dự báo số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục gia tăng.

 

 

 

 “Không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết” câu khẩu hiệu tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết mà hầu như người dân nào cũng nằm lòng. Thế nhưng ở nhiều nơi, với nhiều người việc phòng sốt xuất huyết còn rất chủ quan, thậm chí là trông chờ, chỉ ỷ lại vào các biện pháp y tế như phun xịt hóa chất.

Bác sỹ Lý Tiến Thành-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ia Grai cho biết: ‘Người dân chỉ muốn phun thuốc mà không chú trọng vào công tác vệ sinh môi trường. Chúng tôi không thể phun thuốc toàn bộ địa bàn mà chỉ phun ở nơi có nhiều muỗi, nguy cơ xảy ra dịch bệnh, nơi có ca bệnh. Vệ sinh môi trường phải có sự chung tay của cộng đồng”.

Chưa có năm nào dịch sốt xuất huyết lại bùng phát mạnh như năm nay, nếu cùng kỳ này vào các năm trước, sốt xuất huyết có chiều hướng giảm  thế nhưng  thời điểm này sốt xuất huyết lại gia tăng đột biến. Người dân ai cũng lo lắng, thế nhưng lại không mấy người quan tâm đến việc diệt trừ lăng quăng bọ gậy.

Bà Trịnh Thị Nga-Thôn 2 xã Ia Tô-Ia Grai nói: “ Những ngày gần đây muỗi xuất hiện nhiều lắm, xung quanh đây cũng có nhiều người mắc sốt xuất huyết. Cũng lo nhưng may là có Nhà nước phun thuốc người dân cũng yên tâm”.

Hình ảnh điều trị bệnh sốt xuất huyết tại thành phố Pleiku và cảnh phun thuốc tại phường Diên Hồng

Thành phố Pleiku tháng 6 năm 2015 chỉ ghi nhận 19 ca mắc sốt xuất huyết, nhưng tháng 6 năm 2016 đã có 203 ca mắc bệnh và trong nữa đầu tháng 7 đã ghi nhận thêm 179 ca mắc sốt xuất huyết. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng dịch SXH bùng phát như hiện nay là vấn đề vệ sinh môi trường trong khu vực dân cư, trong hộ dân không đảm bảo.

 Nói về tình hình diễn biến của bệnh trên địa bàn Bác sỹ Dương Đình Sơn-Phó trưởng ban Y tế Dự phòng thành phố Pleiku  cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, bệnh SXH trên địa bàn Pleiku diễn biến phức tạp. Bệnh lưu hành ở mức độ cao và rộng. Để phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế đã chỉ đạo các Trạm y tế tổ chức Chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng phòng, chống bệnh SXH”, tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý các ổ dịch.

Thực tế cho thấy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dịch SXH có được đẩy lùi không thể chỉ trông chờ vào ngành Y tế, mà cần nhận được sự quan tâm, phối hợp của cộng đồng. Dịch sốt xuất huyết không từ một ai cả. Để phòng sốt xuất huyết, đơn giản và dễ làm nhất là  không tạo nơi cho muỗi sinh sôi nảy nở. Có rất nhiều cách diệt và ngăn ngừa muỗi phát triển như dọn dẹp nhà cửa sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng… Những cách làm trên không khó, miễn là  có nhận thức một cách nghiêm túc. Với diễn biến thời tiết nắng mưa thất thường như hiện nay, hơn lúc nào hết cả cộng đồng phải chung tay để ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này./.

Vân Anh-Duy Linh


Lượt xem: 113

Trả lời