Phòng chống sốt xuất huyết – cần sự chung tay của cả cộng đồng

Cập nhật 07/6/2019, 08:06:10

Hơn  1.000 ca mắc sốt xuất huyết đã được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý là trong vòng 2 tháng qua, các ổ dịch sốt xuất huyết tăng nhanh ở một số địa phương. 

 Công tác tuyên truyền, phun hóa chất diệt muỗi, xử lý các ổ dịch đang được ngành Y tế triển khai tích cực. Song, điều quan trọng nhất trong công tác phòng chống dịch vẫn là ý thức tự phòng bệnh của người dân.

      Trong vòng 1 tháng qua, số ca mắc sốt xuất huyết đang gia tăng nhanh trên địa bàn thành phố Pleiku. Trên 180 trường hợp sốt xuất huyết đã được ghi nhận ở 19 xã, phường, tập trung nhiều ở địa bàn phường Hội Phú, Yên Thế, Yên Đỗ, Hội Thương. Những ngày qua, số bệnh nhân nhập viện điều trị sốt xuất huyết đang tăng cao, có gia đình nhiều người mắc cùng nhập viện.

Anh Đinh Phi Vũ – phường Diên Hồng, Tp.Pleiku, Gia Lai cho biết: “Tôi làm việc ở một cây xăng dưới xã Diên Phú. Thường thì ở lại đêm nhưng ngủ tôi không có mắc màn nên có thể bị sốt xuất huyết là do vậy. Ở nơi tôi làm việc thì cũng có nhiều người bị sốt xuất huyết”.

BS Nguyễn Như Thịnh – Phó Khoa Nội – Nhi – Nhiễm, Trung tâm Y tế thành phố Pleiku, Gia Lai  cho biết:“Mỗi ngày bình quân khoa tiếp nhận từ 2 đến 5 bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phần lớn là do người dân quá chủ quan. Có gia đình có 5 người bị sốt xuất huyết nhưng họ lại không thừa nhận bị muỗi đốt trong khi ngủ không mắc màn và quanh nhà thì có nhiều lu, chậu chứa nước’.

Krông Pa là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất với trên 220 trường hợp, tiếp đến là thành phố Pleiku, huyện Chư Prông. Mặc dù đang vào mùa dịch nhưng nhiều nơi người dân vẫn còn rất thờ ơ trong công tác phòng bệnh. Trong nỗ lực đẩy lùi sốt xuất huyết, biện pháp phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành chỉ là giải pháp tình thế, diệt lăng quăng, bọ gậy mới được coi là giải pháp bền vững. Tuy nhiên, giải pháp này khó mang lại hiệu quả nếu không có sự tham gia tích cực của cộng đồng.

Y sĩ Hồ Thái Sơn-Phó Trưởng Trạm Y tế phường Hội Phú, Tp.Pleiku, Gia Lai nói: “Trong quá trình tuyên truyền thì cũng gặp một số khó khăn nhất định là nhiều hộ dân không có hợp tác, họ nói biết rồi nên không cần nữa. Một số hộ dân thì để nhiều lu chậu chứa nước nhưng không đổ đi để cho lăng quăng phát triển và truyền bệnh sốt xuất huyết”.

Y sĩ Mai Hồng Thái – Phó Trưởng Trạm Y tế xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, Gia Lai cũng nêu: “Năm nay tình hình sốt xuất huyết tăng vì dịch bệnh bùng phát theo quy luật 3 năm quay lại 1 lần. Ý thức của nhân dân còn thấp, chúng tôi đi kiểm tra còn nhiều cái đọng nước rất nhiều. Phòng chống sốt xuất huyết quan trọng nhất là vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng bọ gậy”.

          Bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thường xuyên vệ sinh môi trường sống, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hố nước tự nhiên để diệt lăng quăng, bọ gậy. Công tác phòng chống dịch chỉ thực sự mang lại hiệu quả một khi cả cộng đồng cùng chung tay hành động và thực hiện tốt khẩu hiệu “Không có lăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”./.

 Kim Châu- Huy Toàn – Ksor Tuối


Lượt xem: 82

Trả lời