Phát triển y dược cổ truyền – Mục tiêu và chất lượng

Cập nhật 06/6/2016, 10:06:16

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện tuyến tỉnh được đầu tư, nâng cấp; đội ngũ y bác sĩ, thầy thuốc không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; rồi cả mạng lưới các cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền (YHCT) cũng phát triển ngày càng nhiều đã đưa YHCT đến những đóng góp tích cực cùng ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên trên thực tế, việc phát triển y dược cổ truyền (YDCT) trên cả nước nói chung; trong đó có Gia Lai vẫn còn những khó khăn.  

 

Việc phát triển y dược cổ truyền (YDCT) trên cả nước nói chung; trong đó có Gia Lai vẫn còn những khó khăn.  

Với quy mô 150 giường bệnh và trang thiết bị được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại; cùng đội ngũ 130 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngày càng được chuẩn hóa về chuyên môn và nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân; thế nhưng so với năm trước, tổng số lượt người bệnh đến khám và điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền-Phục hồi chức năng (YDCT-PHCN) tỉnh Gia Lai giảm chỉ còn 2/3, với trung bình từ 60-70 lượt người/ngày. Nguyên nhân do nhận thức của người bệnh về tác dụng trong chữa trị bằng YHCT chưa đúng nên vẫn còn thiên về chữa trị theo phương pháp Tây y; ngoài ra còn do những bất cập trong chính sách chi trả BHYT đối với người bệnh khám chữa bệnh bằng YHCT.

Ông Nguyễn Mẹo – Huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Hồi giờ không biết, giờ manh mối người ta chỉ ra Bệnh viện cổ truyền đây nằm điều trị hay hơn. Hồi giờ cứ hỏi thăm mua thuốc về uống, chích nhiều nơi  cũng không khỏe”.

Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Thị Lan Hương – PGĐ Bệnh viện YDCT-PHCN tỉnh Gia Lai  cho biết: “ So với trước đây, bệnh nhân nội trú có giảm là do chính sách BHYT có nhiều cái chưa được thông thoáng lắm đối với YHCT của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung. Ví dụ như bệnh nhân ngoại trú, thường trước đây bệnh nhân đăng ký ở đâu cũng khám được, chỉ có hưởng tỷ lệ % khác nhau; nhưng từ 01/3/2016 đến nay phân tuyến rõ ràng, tức chỉ có những bệnh nhân đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện mới được hưởng 100% bảo hiểm thôi, còn lại bệnh nhân phải chuyển tuyến hoặc nằm lại thì mới được hưởng một số % chứ không như giai đoạn trước nên bệnh nhân có giảm một cách đáng kể”.

Nếu như trước đây, người có thẻ BHYT đến khám, điều trị tại Bệnh viện YDCT thì ngoài mức chi trả theo quy định chỉ phải đóng thêm 10% viện phí trái tuyến. Thế nhưng theo Thông tư số 40 năm 2015 của Bộ Y tế về “Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT” có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 thì từ ngày 01/01/2016, người dân khám trái tuyến tại các bệnh viện YDCT-PHCN phải trả 100% viện phí. Điều này rõ ràng là làm khó người dân bởi cũng theo Thông tư 40, để đủ điều kiện là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu, cơ sở y tế đó phải có ít nhất 2 khoa nội và khoa ngoại; trong khi đó Bệnh viện YDCT-PHCN lại là chuyên khoa y học dân tộc nên không được xem là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu để người dân có thể lựa chọn khi mua BHYT.

Thạc sĩ – Bác sĩ Vũ Thị Lan Hương – PGĐ Bệnh viện YDCT-PHCN tỉnh Gia Lai  cho biết: “Bệnh viện cũng rất là cố gắng để mà thu hút bệnh nhân, nhưng có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất để thu hút bệnh nhân đến với YHCT là mình phải có tư vấn, quảng cáo, hướng dẫn cho bệnh nhân để bệnh nhân hiểu rõ hơn phương pháp YHCT, lợi ích của YHCT trong từng giai đoạn điều trị của mình. Giai đoạn nào nên đến YHCT và giai đoạn nào nên đến Tây y thì hiệu quả nó cao hơn nhiều”. 

Ngoài những khó khăn, vướng mắc trong chính sách chi trả BHYT đối với người bệnh khám chữa bệnh bằng YHCT tại bệnh viện dẫn đến mục tiêu đặt ra về số lượt người khám chữa bệnh hàng năm chưa đạt, thì việc phát triển YDCT trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó về đội ngũ y bác sĩ, thầy thuốc đông y. Đến đầu năm 2016, số hội viên hội Đông y tỉnh Gia Lai là 231 người; trong đó có 35 bác sĩ, 12 cử nhân, 71 y sĩ, 14 kỹ thuật viên, 14 dược sĩ, 55 lương y, 06 lương dược và 24 điều dưỡng; thế nhưng con số này vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó một khó khăn nữa là vấn đề về nguồn dược liệu phục vụ cho điều trị bệnh. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Gia Lai, không có nhiều cơ sở trồng và phát triển dược liệu phục vụ cho YHCT, mà phần lớn đều được nhập về; tuy nhiên đi kèm với đó là vấn đề về chất lượng các nguồn dược liệu này bởi số liệu từ Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho thấy, mỗi năm VN tiêu thụ từ 60.000 đến 70.000 tấn dược liệu. Trong đó, sản xuất trong nước chỉ đạt chưa đến 10%, còn hơn 90% nguồn dược liệu được nhập từ Trung Quốc. Riêng trong năm 2015, Cục Quản lý y dược cổ truyền đã lấy 227 mẫu dược liệu để kiểm nghiệm thì có tới 60% mẫu không đạt chất lượng (về hàm lượng, hoạt chất, làm giả dược liệu). Thậm chí, có nhiều dược liệu bị phát hiện làm giả hoặc bị chiết hết tinh chất như ý dĩ, hoàng kỳ, thăng ma, khương hoạt…

 Nói về vấn đề này Lương y Nguyễn Vững – Phòng chẩn trị YHCT Nhật Bình, TP.Pleiku, Gia Lai cho biết: “ Các thành viên của hội thì hội cũng có tuyên truyền sẽ sử dụng những vị thay thế được và cũng đang hướng đến 1 điều là người VN sử dụng cây thuốc nam. Thì những vị nào của VN mình có thì sử dụng, hạn chế sử dụng những vị thuốc nhập”.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân không chỉ có Tây y mà cả YHCT; chính do đó mà việc tháo gỡ những vướng mắc cho bệnh viện YDCT cũng như những khó khăn về con người, nguồn dược liệu sẽ góp phần phát triển YDCT và khuyến khích người dân khám chữa bệnh bằng YHCT ./. 

Mỹ Tiến; Xuân Huy


Lượt xem: 85

Trả lời