Phát triển thương mại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tỉnh Gia Lai

Cập nhật 30/11/2022, 10:11:08

Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh; những năm qua, hoạt động thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tỉnh Gia Lai đã có những khởi sắc. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại được cải thiện đáng kể, giúp ngành thương mại phát triển nhanh chóng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và đời sống của nhân dân ở các địa bàn này. Nhờ đó, diện mạo các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh cũng đã có nhiều chuyển biến, kinh tế tăng trưởng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc được nâng lên, phát triển so với trước đây.

Được đầu tư xây dựng vào năm 2012 với quy mô một nhà lồng gồm 24 sạp hàng, 10 năm đi vào hoạt động, Chợ xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cơ bản đã đáp ứng cho nhu cầu buôn bán, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn xã khi thu hút nhiều hộ gia đình và cư dân trong khu vực tham gia vào hoạt động thương mại tại địa phương.

Ông Lưu Văn Kính – Trưởng Ban quản lý Chợ Bàu Cạn, huyện Chư Prông cho biết: “Từ lúc mà thành lập chợ đến giờ bà con có thể đi ra chợ thuận tiện hơn,mà hàng hóa thương mại vô được nhiều hơn,cho nên đời sống bà con được khá hơn. Vì giả sử như hồi trước mình ra Pleiku mua hàng thì mất thời gian nhiều,nhưng bây giờ có khu thương mại ngay trung tâm của mình thì điều kiện của bà con đi lại dễ dàng hơn, buôn bán lợi nhuận hơn”.

Bà Trần Thị Thu Hiền – Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông cũng cho biết: “Sau khi mà xây dựng được chợ đạt chuẩn NTM thì phải nói là cũng đã đáp ứng được yêu cầu trước mắt đối với những hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ,đã thu hút tập trung thuận lợi cho người dân khi giao thương buôn bán tại chợ. Thứ hai là giải quyết vấn đề về tình hình an ninh trật tự bởi vì nếu như không có chợ thì những hộ kinh doanh nhỏ lẻ người ta sẽ bán dàn trải thì nó sẽ gây mất trật tự. Và đối với nông thôn thì có chợ truyền thống cũng cực kỳ quan trọng,đáp ứng được chuyện mua bán của người dân tại địa phương,giải quyết một số vấn đề liên quan về phát triển kinh tế”.

Theo số liệu thống kê của ngành Công thương Gia Lai, đến nay mạng lưới hạ tầng thương mại của tỉnh cơ bản đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm thiết yếu, vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu của nhân dân và doanh nghiệp với 96 chợ các loại, 18 siêu thị, 170 cửa hàng tiện lợi; 1.827 cửa hàng chuyên doanh và 7.757 cửa hàng bách hóa tổng hợp… Đặc biệt, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 được thực hiện trên phạm vi 09 huyện của tỉnh gồm: Krông Pa, Kbang, Kông Chro, Chư Prông, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang, Chư Sê và Ia Grai theo Quyết định số 964 ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều cơ chế, chính sách về thương mại cơ bản được ban hành đã và đang góp phần thúc đẩy, phát triển hoạt động thương mại ở các địa phương. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở dịch vụ thương mại ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh cũng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển, mở rộng; tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế thương mại.

Anh Vũ Duy Nam – Hộ kinh doanh thị trấn Đức Cơ, huyện Đức Cơ nói: “Phát triển nhiều chứ. Nói chung là về tất cả mọi thứ đều phát triển,cơ sở hạ tầng hay là những cơ sở kinh doanh cũng phục vụ cho người dân rất là tốt”.

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện vẫn còn có khoảng cách lớn giữa các địa phương, khu vực; nhất là ở vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới. Hoạt động thương mại hàng hóa, dịch vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh chủ yếu mới chỉ dừng lại ở đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, cung cấp xăng dầu, vật tư, dụng cụ cho sản xuất cần thiết cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân mà chưa thu hút được nhiều các doanh nghiệp lớn, các thương nhân trong đầu tư phát triển thương mại.

Không ngừng thúc đẩy phát triển thương mại gắn với quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh của tỉnh; từng bước thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại giữa các địa phương trong tỉnh; theo Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các huyện thuộc chương trình đạt mức tăng trưởng từ 9% trở lên; khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, mỗi năm tăng trung bình từ 8%-10%; đồng thời phát triển chợ nông sản tại các vùng sản xuất tập trung, chợ dân sinh trên địa bàn xã và trung tâm huyện, chú trọng nâng cấp, cải tạo và xây mới chợ tại khu vực vùng sâu, vùng xa; tạo lực đẩy cho phát triển thương mại của tỉnh./.

 Mỹ Tiến, Huy Toàn


Lượt xem: 7

Trả lời