Phát triển mô hình trồng thuốc lá nâu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 27/2/2022, 09:02:42

Bắt đầu triển khai từ năm 2020, Hội Nông dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa đã quyết định chọn cây thuốc lá nâu để xây dựng mô hình điểm, nhân rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo. Với sự hướng dẫn và hỗ trợ từ Hội Nông dân xã Phú Cần, đến nay mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho các hội viên tham gia.

Sau nhiều tháng liền tuyên truyền, vận động, năm 2020 chỉ có 8 hộ hội viên nông dân đồng bào dân tộc thiểu số đồng ý tham gia mô hình trồng thuốc lá nâu do Hội Nông dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa triển khai. Tham gia mô hình, hội viên được hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng. Sau vụ đầu tiên, với diện tích trung bình mỗi gia đình trồng khoảng 3-6 sào, tất cả các hộ đều thu được trên dưới 1 tấn thuốc lá, với giá bán ra là 30 ngàn đồng/kg. Phấn khởi trước kết quả đạt được, năm sau số hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện tham gia mô hình nhiều hơn năm trước, với diện tích mở rộng mỗi hộ lên gấp đôi. Đến nay, toàn xã đã có hơn 40 hộ đăng ký tham gia, với tổng diện tích trên 40 ha. Niềm vui đó còn được nhân lên khi vụ mùa thuốc lá năm nay vừa được mùa, vừa được giá.

Anh Rơ Ô Bunh – Buôn Bla, xã Phú Cần, huyện Krông Pa cho biết: “Năm nay, gia đình tham gia trồng 1 ha, năng suất cũng đạt. Rất phấn khởi và cảm ơn Hội Nông dân xã đã giúp đỡ gia đình. Hy vọng cây thuốc lá nâu sẽ giúp gia đình kinh tế tốt hơn”.

Với ưu điểm là vốn đầu tư ban đầu ít, thuốc lá nâu sau khi thu hoạch chỉ cần phơi khô dưới nắng mặt trời và không phải thu hoạch đồng loạt nên không cần nhiều nhân công, có thể tận dụng mọi nhân công nhàn rỗi trong gia đình. Do đó, cây thuốc lá nâu thực sự là sản phẩm nông nghiệp phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, cây thuốc lá nâu không cần sử dụng lò sấy, nên đã góp phần giải quyết bài toán khó khăn trong vấn đề sử dụng chất đốt để sấy thuốc lá trên địa bàn huyện trong thời gian qua, hạn chế nạn phá rừng, góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, chỉ sau hơn 02 năm triển khai, mô hình trồng thuốc lá nâu phơi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của bà con nông dân.

Ông Trần Thế Chanh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Cần, huyện Krông Pa cũng cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ nông dân hết, bà con chỉ việc trồng thôi, trồng xong chúng tôi ký kết thu mua luôn  nên đầu ra rất là ổn định  nên 2 năm nay, các hộ tham gia làm mô hình rất là yên tâm, các hộ vay ngân hàng đều đã trả hết cho ngân hàng, rất nhiều hộ đã thoát nghèo. Năm nay là bà con phát triển rất mạnh, sang năm chắc chắn sẽ phát triển mạnh hơn nữa”.

Bà con trồng thuốc lá ở xã Phú Cần, huyện Krông Pa đang bước vào vụ thu hoạch. Với giá bán từ 36-37 ngàn đồng/kg, cao hơn rất nhiều so với mọi năm, 40 hộ dân tham gia mô hình trồng thuốc lá nâu trên địa bàn xã đang rất phấn khởi. Nhưng có lẽ niềm vui lớn nhất là người dân, đặc biệt là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn đã nhận thấy được tiềm năng, lợi thế của cây thuốc lá nâu cũng như nỗ lực để nắm bắt được kỹ thuật trồng và phát triển kinh tế. Hội Nông dân xã Phú Cần đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình trồng cây thuốc lá nâu sẽ là hướng sản xuất đảm bảo thu nhập ổn định cho đông đảo hội viên nông dân trên địa bàn chứ không riêng đồng bào dân tộc thiểu số nghèo như trước./.

Trương Trang; Minh Trung


Lượt xem: 12

Trả lời