Phát triển mô hình cây ăn trái ở xã biên giới Đức Cơ

Cập nhật 07/11/2017, 07:11:10

Xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ  là vùng trồng điều và cao su với quy mô lớn của huyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân ở đây, đang tìm tòi, phát triển các loại cây ăn trái nhằm đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập.

Vườn cam, quýt hơn 1ha của gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh đã bước sang vụ thu hoạch thứ 2. Ban đầu, chủ nhân của vườn cây này không thực sự tự tin khi đưa hai loại cây khó trồng là cam và quýt về trồng trên vùng đất với điều kiện khí hậu khá khắc nghiệt như xã biên giới Ia Nan.

Tuy nhiên, sau 2 mùa thu hoạch, vườn cam, quýt này đã cho sản lượng hơn 70 tạ/ha. Với giá bán hiện nay trên thị trường từ 25 đến 30 nghìn đồng/kg, hàng năm vườn cây ăn trái này cũng mang lại nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng cho gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh. Không chỉ cho sản lượng như mong muốn, chất lượng của sản phẩm cam, quýt cũng được người tiêu dùng trên địa bàn ưa chuộng vì trái to, mọng nước và ngon ngọt.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Tôi đi học tập mô hình trồng cam quýt này và đi lấy giống tận trong miền Tây. Về trồng thấy rất được, rất ổn định. Tôi cũng đang cố gắng học hỏi thêm kỹ thuật về trồng loại cây này để áp dụng cho nó có hiệu quả. Hiện nay tôi đang thử nghiệm ghép cây cam Vinh lên loại giống cam đang trồng ở một diện tích nhỏ xem kết quả thế nào để mở rộng”.

Phong trào trồng cây ăn trái không phải chỉ mới phát triển ở xã Ia Nan thời gian gần đây. Nhiều năm trước, một số người dân ở đây cũng đã thử nghiệm trồng các loại cây ăn trái để đa dạng thêm sản xuất kinh tế của gia đình, nâng cao thu nhập. Trong đó nổi bật nhất là giống nhãn lồng Hưng Yên. Tuy nhiên do điều kiện khí hậu không phù hợp, cộng với thị trường tiêu thụ không ổn định nên sau nhiều năm không có hiệu quả bà con đã phá bỏ gần hết và tìm loại cây ăn trái khác để thay thế.

Trong đó, chôm chôm thái, sầu riêng, mãng cầu xiêm…đang là những loại cây ăn trái được bà con nông dân ở đây lựa chọn để trồng trên diện tích lớn. Qua vài mùa thu hoạch, triển vọng của các loại cây này khá lạc quan.

Ông Mai Văn Quyển, Thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai cũng nói: “Vườn cây của gia đình tôi đây phát triển khá tốt, tôi rất hy vọng và tin tưởng. Chỉ cần vài năm nữa thôi, khi các loại cây ở đây cho thu hoạch hết là kinh tế gia đình được cải thiện rồi”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai đánh giá: “Khi mà cây cao su, điều giá cả lên xuống thất thường khiến cho kinh tế gia đình thiếu ổn định, thì một số người dân trên địa bàn xã đã tìm tòi phát triển các loại cây ăn trái. Hiệu quả thì cũng thấy rất tốt, thời gian tới hội cũng sẽ tìm cách hỗ trợ các hộ này để họ phát triển bền vững hơn”.

Việc người dân mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, áp dụng những mô hình kinh tế mới, hiệu quả hơn khi các loại cây trồng truyền thống đang rơi vào cảnh bấp bênh vì giá cả sụt giảm là một điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để những mô hình này phát triển thực sự bền vững thì cần sự định hướng, hỗ trợ của địa phương, các ban ngành chức năng cũng như sự tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường, đầu ra cho sản phẩm của chính những người nông dân trước khi mở rộng diện tích.

Ngọc Hà, Minh Vũ


Lượt xem: 165

Trả lời