Phát triển làng nghề ở xã Cửu An – An Khê

Cập nhật 06/1/2020, 08:01:39

Xã Cửu An, thị xã An Khê là một trong những địa phương có sự phát triển khá lâu đời của cộng đồng người Bình Định trên đất Tây Nguyên. Ngoài hệ thống đền, miếu, nét văn hóa mang đậm bản sắc vùng miền, Cửu An được nhiều người nhắc nhớ bởi sự tồn tại một số nghề truyền thống của người miền xuôi mang lên miền ngược từ hàng trăm năm nay. Để các nghề truyền thống ở địa phương không bị mai một, xã Cửu An đang xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề đi kèm với du lịch văn hóa cộng đồng.

Như nhiều người dân khác trong xã Cửu An, gia đình ông Nguyễn Thành Lan ở thôn An Bình chọn cho mình cách phát triển kinh tế bằng nghề làm bún phở. Duy trì được hơn chục năm, nghề bún phở truyền thống đang mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình ông với mức xấp xỉ 12 triệu đồng/tháng. Ngoài thu nhập từ trồng lúa, ông và gia đình có thể an tâm tích lũy tiền và tham gia vào tổ hợp làng nghề bằng công việc này.

Ông Nguyễn Thành Lan – Thôn An Bình,  xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai nêu: “Nếu như tổ chức làng nghề có hướng dẫn ở địa phương thì gia đình sẽ tham gia. Vì để phát triển quảng bá sản phẩm gia đình làm ra, hàng hóa mua bán dễ dàng hơn”

Ngoài là xã thuần nông với 935 hộ nông dân, Cửu An còn được biết đến bởi các nghề truyền thống như làm bánh tráng, bún phở đang được lưu truyền cả trăm năm nay. Đây là những nghề mang đậm nét đặc trưng của người Bình Định lưu truyền từ nhiều thế hệ vốn sinh sống, làm ăn từ hàng thế kỷ trước ở vùng đất Gia Lai. Phát huy lợi thế này, xã Cửu An đang triển khai xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề truyền thống, trong đó chú trọng đến nghề làm bánh tráng.

Ông Nguyễn Công Thám – Chủ tịch Hội Nông dân xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai cũng cho biết: “Để làng nghề tồn tại, hội nông dân duy trì cho bà con tham gia vào tổ hợp tác, trước mắt tham gia vào tổ hợp tác liên kết, thứ 2 là đề xuất, tham mưu với lãnh đạo cấp trên hỗ trợ về kỹ thuật, thứ 3 là vốn vay để cùng bà con cùng tham gia vào chuỗi để đưa sản phẩm có thương hiệu”.

Một trong những mục tiêu trọng tâm mà xã Cửu An, thị xã An Khê đặt ra trong năm 2020 đó là xây dựng địa phương trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn. Ngoài Lễ hội Dâu da đỏ, Cửu An còn đang sở hữu một bề dày văn hóa đậm đặc nét sống của người miền xuôi lên miền ngược từ hàng trăm năm về trước. Điều đó thể hiện rõ nét qua mô hình cộng đồng làng xã, hệ thống miếu, đình và cả những di tích của triều đại thời Tây Sơn.

Ông Lưu Trung Dũng – Chủ tịch UBND xã Cửu An, thị xã An Khê, Gia Lai trao đổi: “Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, địa phương còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay chỉnh trang vườn, hình thành các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến thì bà con nhân dân dần có ý thức bảo tồn, bảo vệ các giá trị di tích lịch sử, đặc biệt là quan tâm các dịch vụ du lịch như sản phẩm nông nghiệp, các sản phẩm lợi thế địa phương”.

Ở thị xã An Khê, Cửu An là một trong những vùng đất đầu tiên được người Bình Định tìm đến và sinh sống. Sau nhiều thế kỷ, nơi đây vẫn còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc trưng của người miền xuôi lên miền ngược lập nghiệp. Do vậy, ngoài phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa thì việc xây dựng làng nghề được địa phương quan tâm chú trọng, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân trong thời gian tới./.

Thu Thủy, R’Piên


Lượt xem: 327

Trả lời