Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng Nông thôn mới xã Ayun, Chư Sê

Cập nhật 30/6/2017, 08:06:58

Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 2 xã Ayun và H’bông giai đoạn 2017-2020” đã được UBND huyện Chư Sê phê duyệt triển khai thực hiện. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư hơn 479 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương và tỉnh phân cấp hơn 263 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 35 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 115 tỷ đồng; vốn đóng góp của cộng đồng dân cư hơn 56 tỷ đồng…; đồng thời lồng ghép thêm nguồn vốn từ các chương trình khác. Với những xã nghèo như Ayun và H’bông, đây được xem là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế-xã hội các địa phương phát triển; góp phần thực hiện và hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. PS được thực hiện tại xã Ayun.

Không giấu được niềm vui khi là một trong những hộ nghèo của xã Ayun được cấp hỗ trợ bò trong năm 2017, anh Kpuih Braih ở làng Achép chia sẻ: Đây là tài sản mà gia đình anh cố gắng giữ và phát triển để thoát nghèo.

Anh nói: “Vui lắm vì được Nhà nước hỗ trợ bò. Trước giờ nhà chỉ có một ít ruộng, có năm cũng thiếu ăn. Giờ có thêm con bò này, mình sẽ cố gắng nuôi, chăm sóc để nó sinh thêm bò con; có nhiều bò sẽ phát triển kinh tế để không còn đói, không còn nghèo”.

Triển khai thực hiện Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2017-2020” trên địa bàn xã, trước mắt trong năm 2017 này, từ tổng nguồn vốn hỗ trợ 37 tỷ 418 triệu đồng; trong đó ngân sách TW và của tỉnh là gần 24 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 2,2 tỷ đồng và một số nguồn vốn khác, xã Ayun sẽ tập trung đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn; cải tạo, nâng cấp, xây mới xóa nhà tạm; đào tạo nghề; đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp trạm y tế xã; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã… Đặc biệt ưu tiên cho đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phạm Ngọc Thanh – Chủ tịch UBND xã Ayun, Chư Sê, Gia Lai  cho biết: “Trong chăn nuôi thì hỗ trợ bò sinh sản, heo sinh sản bản địa. Trong sản xuất nông nghiệp thì hỗ trợ cây điều, cây chuối và các mô hình khác. Trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản thì hỗ trợ thuyền và lưới cho bà con. Thì trên cơ sở bám vào đề án, hộ nào đăng ký thoát nghèo, giảm nghèo bền vững thì hỗ trợ cho bà con trước nhưng mà phải có nội lực từ bên trong sau đó cùng kết hợp với ngoại lực là nhà nước hỗ trợ vào thì mới giảm nghèo bền vững được”.

Nếu như trước đây, phát triển sản xuất của người dân ở Ayun chủ yếu là cây lúa thì nay đã dần chuyển sang những loại cây trồng ngắn ngày khác cho giá trị kinh tế cao hơn như: mỳ, đậu, bắp… Tuy nhiên, khó khăn đặt ra đối với Ayun hiện nay đó là với hơn 98% số dân là đồng bào DTTS và tỷ lệ hộ nghèo còn cao với 76%; vì vậy để đạt mục tiêu đề ra cần những giải pháp đồng bộ và thiết thực.

Ông Nguyễn Văn Hợp – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Sê, Gia Lai cho biết: “Bên cạnh các giải pháp về tuyên truyền vận động, giải pháp về sản xuất thì huyện cũng chú trọng phân công các cơ quan phụ trách từng thôn làng; nắm rõ thôn, làng, nhu cầu của từng hộ rồi phát triển giúp họ. Đánh giá đúng thực trạng là gia đình họ cần cái gì và phải đầu tư cái gì thì sẽ đầu tư; và bên cạnh đó thì sẽ bám sát cùng với xã đề ra các lộ trình cũng như giải pháp cụ thể để giúp xã”.

Hiện tại xã Ayun mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng Nông thôn mới; và với đề án “Phát triển kinh tế-xã hội gắn với xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2017-2020”, xã Ayun phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 21 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn khoảng 7%./.

Mỹ Tiến, R’Piên


Lượt xem: 52

Trả lời